Quảng Nam: Chú trọng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới Bình Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới |
Năm 2021, nhờ chuyển đổi số bằng cách tăng tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, quả vải thiều đặc sản của Hải Dương đã được tiêu thụ tương đối dễ dàng. Quả vải thiều được mùa, được giá trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chinh phục được cả thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, vải thiều Hải Dương còn xuất khẩu khoảng 2.000 tấn đi các thị trường mới như Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, EU, Singapore…
Cây cà rốt ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng góp phần xây dựng địa phương trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu |
Tập huấn kỹ năng số, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử… tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng.
Hiện đã có 128.578 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử đang hoạt động, xếp thứ 19/63 tỉnh/thành phố; 1.077 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 35.578 giao dịch, xếp thứ 7/63 tỉnh/thành phố. Toàn tỉnh đã xây dựng và cấp được 261 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; trên 20 công ty/hợp tác xã/tổ sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Có thể thấy, lĩnh vực thương mại điện tử đã thực hiện kết nối các doanh nghiệp, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển và ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… góp phần thúc đẩy dịch vụ phát triển hướng tới xuất khẩu hàng hóa.
Thương mại điện tử đang dần trở thành phương thức tiêu thụ chủ yếu của các chủ thể, người dân tại các vùng sản xuất hàng hoá như vùng trồng cam ở phường Thất Hùng, Kinh Môn; bột sắn dây Thành Nhàn; vải thiều Thanh Hà; hành tỏi, cà rốt…
Năm 2023, tỉnh Hải Dương tập trung triển khai đồng bộ hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng trên phạm vi toàn tỉnh với mục tiêu ít nhất 50% thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn, khu dân cư được tập huấn về kỹ năng số, hỗ trợ tích cực người dân các kỹ năng số cơ bản, nhất là việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng mua bán trên sàn thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.
Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hải Dương năm 2023, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đào tạo về ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương thu thập thông tin doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có nhu cầu đưa sản phẩm OCOP và các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các giải pháp thương mại điện tử.
Hải Dương cũng đồng thời duy trì các phần mềm như: Bản đồ trực tuyến điểm bán hàng Việt, sàn giao dịch thương mại điện tử, phần mềm quản lý khuyến mại và hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trong thương mại điện tử.
Phát triển và đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; triển khai nền tảng ứng dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Ứng dụng công nghệ số trong phương thức quản lý, quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, điều hành, chuyển đổi phương thức hoạt động trong các thành phần của nền kinh tế; trọng tâm là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và dữ liệu lớn (Bigdata) phục vụ phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu số cho lãnh đạo các cấp, các ngành điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước, xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo động lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.