Sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Khánh Hòa: Cơ hội tiến xa hơn Tỉnh Bắc Kạn: Đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xuất ngoại |
Tỉnh Quảng Nam là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP, hiện toàn tỉnh có 268 sản phẩm OCOP (trong đó có 222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao) của 207 chủ thể và hàng ngàn sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm đặc trưng và nông sản an toàn khác. Dù nhiều sản phẩm đã có mặt tại các kệ hàng của các hệ thống phân phối lớn trong nước hoặc tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử, tuy nhiên con số vẫn còn hạn chế so với tiềm năng của sản phẩm công nghiệp nông thôn địa phương. Vì thế, việc tìm kiếm, hỗ trợ kết nối cung cầu cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn luôn là vấn đề khiến địa phương quan tâm.
Từ đầu năm 2022 tới nay, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Ngày hội sản phẩm Quảng Nam và tham gia hội chợ thương mại kết nối cung cầu tại các tỉnh như TP. Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và TP. Đà Nẵng. Những ngày hội đã hiện thực hóa hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát, nghiên cứu thiết lập các điểm tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Quảng Nam tại một số tỉnh, thành phố lớn; triển khai hiệu quả kế hoạch, phương án tiêu thụ, xuất khẩu đối với các mặt hàng trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh; đồng thời, thực hiện đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, độc đáo để thúc đẩy sự quan tâm, thu hút và giữ chân du khách.
Những ngày hội sản phẩm Quảng Nam tạo cơ hội kết nối thương mại cho các cơ sở sản xuất địa phương |
Từng sự kiện xúc tiến thương mại đi qua, các chủ thể OCOP, các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp đều ghi nhận và đánh giá tích cực hiệu quả mà các sự kiện mang lại. Nhiều cơ sở nhỏ đã dễ dàng đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng hơn trước.
Bà Phạm Thị Ngọc Yến - chủ cơ sở sản xuất sản phẩm Râu câu chỉ vàng (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết, mặc dù sản phẩm của cơ sở đã đạt OCOP 3 sao nhưng đầu ra của sản phẩm chưa đi sâu vào thị trường và doanh thu chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua khi tham gia nhiều hội chợ do Sở Công Thương tỉnh tổ chức và hỗ trợ, cơ sở đã đưa sản phẩm gần hơn đến với người tiêu dùng, tiếp cận được nhiều đối tác liên kết thương mại sản phẩm.
“Từ đầu năm, cơ sở đã trải qua 4 chương trình xúc tiến thương mại, nhờ đó đã có thể mở rộng được thị trường, cải thiện chất lượng sản phẩm, liên kết được các nhà phân phối sản phẩm. Đồng thời, cơ sở cũng đã đi vào được một số điểm bán hàng, siêu thị nhỏ tại các địa phương và làm quen với thương mại điện tử. Tôi mong muốn có thể nhờ các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại để đi sâu hơn vào thị trường, đưa sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ lớn, xa hơn là đưa sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường lân cận”, bà Yến bày tỏ.
Ông Đinh Văn Đới, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm rượu Tà Vạc (sản phẩm OCOP 3 sao) tại xã Jơ Ngây (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết, các sản phẩm như cơ sở của ông sản xuất đều là những đặc sản vùng núi của đồng bào dân tộc, ít được thị trường biết tới do mẫu mã còn chưa bắt mắt, độ phủ thương hiệu còn hạn chế.
“Những sản phẩm vùng cao Quảng Nam ít được các khách hàng biết tới nên khi đưa ra thị trường mức độ tiêu thụ thấp, không tìm được đầu ra như mong đợi. Tại Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại Đà Nẵng mới đây, sản phẩm của chúng tôi đã bắt đầu có đơn, tuy chỉ mới vào thị trường Đà Nẵng với số lượng đơn khiêm tốn nhưng cũng là tín hiệu khả quan để cơ sở tiếp tục tham gia những ngày hội sản phẩm tại các tỉnh thành khác”, ông Đới cho hay.
Ông Hồ Quảng Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (bìa phải) và ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam (thứ hai từ phải qua) tham quan các gian hàng sản phẩm tại Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại Đà Nẵng |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Hồ Quang Bửu chia sẻ, trong năm 2022, khi dịch bệnh vừa lắng xuống, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương tham gia các ngày hội, hội chợ thương mại. Đã có rất nhiều sản phẩm của bà con nông dân được trưng bày tại ngày hội, qua nhìn nhận ban đầu, ông thấy các sản phẩm có chất lượng cao. Việc bà con được đưa sản phẩm chất lượng của mình ra thị trường được đón nhận tích cực, đem lại khí thế mới trong việc sản xuất hàng hóa nông sản tại Quảng Nam để đưa ra thị trường toàn quốc. Và thông qua những ngày hội, hội chợ, tỉnh Quảng Nam nhận thấy các doanh nghiệp, các cơ sở, hợp tác xã của Quảng Nam đã tận dụng thêm được môi trường thương mại điện tử để giúp các cơ sở, doanh nghiệp bán hàng nhiều hơn nữa.
“Trong năm 2022 này, tỉnh Quảng Nam sẽ tham gia hội chợ thương mại tại nhiều tỉnh thành để giúp cho bà con thương mại hóa sản phẩm mình làm ra”, ông Bửu thông tin.
Được biết, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đưa sản phẩm chào bán tại thị trường các tỉnh Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh…. Đây đều là những địa phương nhiều tiềm năng để sản phẩm Quảng Nam có khả năng tham gia vào. Và chính những chương trình xúc tiến thương mại mang chỉ đạo cốt lõi có trọng tâm, trọng điểm như vậy sẽ giúp cho khách hàng có thể tiếp cận và tìm hiểu được các sản phẩm của tỉnh Quảng Nam chỉ trong thời gian ngắn.