Nghi vấn tổ chức tour du lịch ''0 đồng'' rồi bán hàng giá cao: Chính quyền nói gì? Quảng Bình: Kích cầu tiêu dùng nội địa bằng đa dạng hình thức chương trình |
Thực hiện kế hoạch đầu tư công (ĐTC) và giải ngân nguồn vốn ĐTC được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện để đưa nguồn lực vào phát triển kinh tế-xã hội. Tại Quảng Bình, công tác này cũng được các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện trong thời gian qua, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp.
Tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao là gần 4.864 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư ngân sách địa phương hơn 3.276,8 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương hơn 1.587 tỷ đồng. Tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân bổ chi tiết năm 2024 là hơn 5.019,2 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 3.431 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương là hơn 1.587 tỷ đồng.
Qua thực hiện nhiều giải pháp, tăng cường công tác lãnh đạo và gắn trách nhiệm của người đứng đầu dự án đầu tư công, địa phương đã thể hiện nhiều nỗ lực với kỳ vọng bắt kịp nhịp giải ngân đúng tiến độ. Nhưng đến nay, tỷ lệ giải ngân của tỉnh vẫn còn thấp.
Tình hình trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công còn vướng mắc, khó khăn khiến dự án chậm tiến độ thi công và giải ngân vốn. Bên cạnh đó, năng lực của chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp còn hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án. Nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án thiếu năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện dự án ODA. Đặc biệt, nguồn vốn từ năm 2023 kéo dài sang năm 2024 được ưu tiên thực hiện, khiến tỷ lệ giải ngân của nguồn vốn năm 2024 còn thấp. Quảng Bình đang đề ra nhiều biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng cuối năm.
Một dự án trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình đang được thi công |
Đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 25,8% - ngày 31.7), UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương tranh thủ thời tiết thuận lợi, đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến hành nghiệm thu thanh toán ngay khi có khối lượng, không dồn thanh toán 1 lần.
Nếu đến ngày 31/12, các dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, bị hủy dự toán, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đồng thời tự chủ động thu xếp nguồn vốn để hoàn thành công trình theo đúng mục tiêu đề ra.
Đối với các nguồn vốn đầu tư công còn lại, UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương nghiệm thu, thực hiện thanh toán và giải ngân lần đầu đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% trước ngày 30/8. Sau thời hạn này, nếu các chủ đầu tư không giải ngân, UBND tỉnh sẽ điều chỉnh kế hoạch vốn sang các dự án khác có nhu cầu. Chủ đầu tư cần đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là đối với các dự án dự kiến hoàn thành năm 2024 có số vốn bố trí tương đối lớn.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đạt cho biết, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2024, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 từ những dự án giải ngân thấp hoặc không giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt.
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Bình, Báo Công Thương đã có bài viết “Quảng Bình: Nhiều dự án có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bằng 0%” khi Bộ Tài Chính công khai tại văn bản cụ thể các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% tính đến thời điểm 30/4/2024.