Hàng giả bán ngang nhiên, công khai
Theo Quản lý thị trường Nghệ An, nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc chống hàng giả , hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí không hợp tác với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
Số liệu công bố của Cục quản lý thị trường Nghệ An cho thấy, hơn 1.441 vụ việc đã được các lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, trong đó xử lý 1.257 vụ vi phạm; Tổng giá trị thu phạt 3 tỷ 959 triệu đồng. Trong đó số thu từ xử phạt vi phạm hành chính là 2 tỷ 304 triệu đồng; Trị giá hàng hóa vi phạm 1 tỷ 655 triệu đồng, trong 7 tháng đầu năm 2022.
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An kiểm tra hàng hóa vi phạm. |
Trong đó nhóm hành vi vi phạm trong giả nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm lại có xu hướng gia tăng.
Trước đây, các mặt hàng vi phạm chủ yếu như quần áo, giày dép, túi xách, hoá mỹ phẩm, thuốc lá điếu, thực phẩm, đồ gia dụng... nhưng bây giờ xăng dầu giả kém chất lượng, vật tư nông nghiệp, phân bón…giả cũng đang gây nhức nhối.
Vào đầu tháng 7/2022, Đội quản lý thị trường số 11- Cục quản lý thị trường Nghệ An phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh quần áo do bà N.T.L làm chủ, địa chỉ tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương. Tại thời điểm kiểm tra, Cơ sở kinh doanh của bà L đang vận hành các tài khoản Fanpage Facebook: “Tổng kho A.T; Store A.T” để tiến hành các hoạt động livestream (bán hàng, chốt đơn qua mạng xã hội). Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 2.100 bộ quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc lô hàng.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, bà L thừa nhận toàn bộ số hàng trên bà mua trôi nổi trên thị trường về đăng tải và livestream trên các tài khoản Fanpage của Shop để bán kiếm lời. Đội quản lý thị trường số 11 đã tiến hành hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo đúng quy trình, quy định của pháp luật; tịch thu toàn bộ số hàng trên với giá trị thu, phạt ước tính 70 triệu đồng.
Theo lực lượng quản lý thị trường Nghệ An, trước đây, hàng giả, nhái nhãn hiệu “đi chui”, nhưng bây giờ lợi dụng các hãng chuyển phát, hàng giả hầu như “đi” công khai, chính thức. Chính điều này làm cho các lực lượng chức năng rất khó đối phó. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, phía biên giới với Trung Quốc vẫn đang cấm biên, cho nên hàng hóa không đi đường mòn, lối mở như trước kia mà phải đi chính ngạch. Hàng giả sẽ phải tìm cách để luồn lách qua kênh chính ngạch, vì thế thị trường nội địa rất phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Hường, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho rằng 7 tháng đầu năm, hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và an toàn thực phẩm vẫn xẩy ra thường xuyên. Hàng giả đưa vào lưu thông càng trở nên dễ dàng trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ông Hường cho rằng, hàng giả vẫn còn “đất sống” bởi có sự thỏa hiệp của một bộ phận người tiêu dùng trong việc biết là giả nhưng vẫn mua. Cùng với đó, vai trò của doanh nghiệp sản xuất trong chống hàng giả, hàng nhái còn mờ nhạt, họ biết nhưng không tố giác.
Cùng quan điểm, ông Võ Minh Tuấn – Chánh Thanh tra Sở Công Thương Nghệ An cho rằng "Bản thân nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến bảo vệ thương hiệu của mình...".
Nhiều doanh nghiệp biết đối tượng làm giả sản phẩm của mình nhưng không muốn công khai. Khi cơ quan chức năng mời các chủ thể quyền lên làm việc nhưng cũng không nhận được sự phối hợp đầy đủ. Hoặc các doanh nghiệp chưa áp dụng công nghệ mới trong việc bảo vệ chính sản phẩm của mình như ứng dụng về truy xuất nguồn gốc hay là tem chống giả...Còn với người tiêu dùng, đôi khi họ biết là hàng giả nhưng vẫn chuộng thương hiệu đó và vẫn muốn sử dụng vì giá rẻ… vô tình tiếp tay cho hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển.
Cần vai trò tiên phong của doanh nghiệp
Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động may “áo giáp” để bảo vệ chính mình.
Hình ảnh các bài đăng, livestream của Store A.T. |
Đầu tiên, theo ông Nguyễn Công Thuỷ - Phó phòng thanh tra pháp chế Cục quản lý thị trường Nghệ An cho rằng, "Hiện nay nhiều nhất vẫn là vi phạm nhãn hiệu. Tuy nhiên, cái khó của cơ quan chức năng là doanh nghiệp họ thấy hàng vi phạm, nhưng không tố giác, không yêu cầu kiểm tra xử lý. Dẫn đến cơ quan chức năng khó vào cuộc. Bởi theo quy định trong luật sở hữu trí tuệ, trước khi sản xuất ra sản phẩm, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm để làm căn cứ pháp lý. Và sau khi có hàng hoá vi phạm chủ thể phải có khiếu nại lên cơ quan chức năng để có căn cứ xử lý, còn họ không yêu cầu cũng rất khó để xử lý…”, ông Thuỷ cho hay.
Ông Nguyễn Công Thuỷ cũng cho rằng, nếu hàng hoá giả chất lượng thì cứ dựa vào luật để xử lý, còn vi phạm nhãn hiệu lại rất khó xử lý khi không có sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Hơn ai hết, trách nhiệm của doanh nghiệp rất quan trọng trong đấu tranh chống hàng gian, hàng hoá vi phạm nhãn hiệu.
Bằng việc doanh nghiệp phải xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ sáng chế, xác lập quyền tác giả trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hay trong phạm vi vùng hoặc lãnh thổ nào đó…
Đồng thời, bản thân doanh nghiệp phải tự hoàn thiện các chính sách của doanh nghiệp liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải có những cam kết đối với người tiêu dùng và phải thực hiện đúng các cam kết nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, uy tín cho sản phẩm. Mặt khác, phải phối kết hợp với các cơ quan có thẩm quyền khi có các hành vi xâm phạm đến nhãn hiệu của mình.
“Để mặt trận chống hàng giả hiệu quả, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý, người tiêu dùng, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình. Các Hội, Hiệp hội cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp ý thức tự bảo vệ thương hiệu mình trước tiên...”, ông Thuỷ nhấn mạnh.