Hàng hoá… “vàng thau lẫn lộn”
Theo lực lượng Quản lý thị trường Nghệ An, trên thực tế với loại hàng cấm, hàng nhập lậu, phương thức phổ biến của các đối tượng là mang, vác, vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa qua các đường mòn, lối mở biên giới, sau đó hợp thức hóa đơn bán hàng vận chuyển vào nội địa bằng xe ô tô, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính... Ngoài ra, các đối tượng còn rất tinh vi khi hàng hóa còn được ngụy trang, cất giấu tinh vi cùng với hàng hóa khác như trong thùng xe, hầm xe tự chế... nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Ngày 15/6, Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 37C-302.28 phát hiện trên xe có 139 viên pin điện thoại các loại, 52 cái đài không rõ nguồn gốc xuất xứ |
Rất nhiều loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, được các đối tượng bán trên các sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội với cái mác “hàng xách tay”, “hàng sale giá rẻ”... Mặt khác, các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và thu nhập còn thấp của người dân để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng về các địa bàn nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa tiêu thụ trên các phương tiện bán hàng lưu động.
Đối với hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo về nhãn hiệu, đối tượng thường tiến hành giao dịch mua bán trên trang thương mại điện tử các nền tảng ứng dụng như website tự lập, Zalo, Viber, Facebook, Youtube... đăng ký thông tin không chính xác, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An Nguyễn Văn Hường, trong thời điểm 6 tháng đầu năm, hàng ngàn vụ việc được kiểm tra xử lý về thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng lậu. Cụ thể trong 6 tháng, Cục đã tiến hành kiểm tra 1.148 vụ, xử lý 1.057 vụ với tổng giá trị thu phạt là 3,8 tỷ đồng. Tiêu huỷ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... trị giá hơn 1 tỷ đồng.
“Với nguồn thu lợi bất chính không nhỏ, nhiều đối tượng sẵn sàng nộp phạt, thậm chí chia nhỏ công đoạn sản xuất, kinh doanh, để hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ len lỏi vào thị trường. Để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm này đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ và căn cơ hơn, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương và cả người dân và doanh nghiệp…”, ông Hường nhấn mạnh.
Điển hình, ngày 15/6 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 37C-302.28 do ông Đặng Văn Thành điều khiển (có địa chỉ tại xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 5 phát hiện trên xe có 139 viên pin điện thoại các loại, 52 cái đài do nước ngoài sản xuất với tổng trị giá 12,5 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Đội Quản lý thị trường số 5 đã xử phạt hành chính 5 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số hàng vi phạm với tổng giá trị là 17,5 triệu đồng.
Trước đó ngày 24/5, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh linh kiện điện thoại do ông Nguyễn Thanh Nam làm chủ (có địa chỉ phường Bến Thủy, thành phố Vinh).
Qua kiểm tra, tại cơ sở kinh doanh đang bày bán 2.300 sản phẩm linh kiện điện thoại (kính màn hình) không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng giá trị 22 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Chủ cơ sở thừa nhận đã mua trôi nổi trên thị trường và sử dụng tài khoản facebook cá nhân “T.N” để đăng tải, bán các loại hàng hóa linh kiện điện thoại để kiếm lời. Đội Quản lý thị trường số 11 đã tiến hành xử phạt hành chính 8,5 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm nói trên theo quy định của pháp luật, và bị phạt 30,5 triệu đồng.
Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng thông thường, nhiều mặt hàng như khẩu trang, kit test Covid-19, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng hay sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch thời gian qua cũng là “miếng bánh” ngon để các gian thương trục lợi. Thường xuyên có sản phẩm bị làm giả, làm nhái.
Cần chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường
Xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, thời gian qua lực lượng Quản lý thị trường Nghệ An đã phối hợp, kiểm tra qua đó phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm có quy mô lớn.
Những sản phẩm hàng nhập lậu được lực lượng Quản lý thị trường Nghệ An thu giữ |
Cục Quản lý thị trường Nghệ An tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký kết với các ngành như Cục Hải quan; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Công an tỉnh, Sở Công Thương; Công ty Xăng dầu Nghệ An. Hỗ trợ nhau trong trao đổi cung cấp thông tin, về nghiệp vụ, thẩm tra, xác minh, phối hợp lực lượng trong quá trình kiểm tra kiểm soát nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Với mục tiêu cao nhất là bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hường cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng đang dần chuyển sang mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, đơn vị sẽ chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm… Đồng thời, phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong xúc tiến thương mại, lợi dụng khuyến mại để trà trộn, đưa vào lưu thông hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc mua các sản phẩm chính hàng, rõ nguồn gốc xuất xứ; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường, lực lượng Quản lý thị trường đã có những kênh tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng và các bên liên quan thông báo về những vi phạm trên thị trường để kịp thời kiểm tra, xử lý.
Cũng theo Cục Quản lý thị trường Nghệ An, dự báo trong trong 6 tháng cuối năm, giá mặt hàng xăng dầu tiếp tục có nhiều sự điều chỉnh sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng. Các mặt hàng chịu sự biến động về giá chủ yếu là lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải...Tình hình dịch bệnh Covid-19 có những tiềm ẩn khó lường từ các biến chủng mới; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp hơn, đặt biệt là vào những tháng cuối năm và chuẩn bị cho dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán.
Chính vì thế lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh cài cắm cơ sở, nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới; xác định các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh có hiệu quả, xử lý kịp thời với các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm trong thương mại điện tử. Đặc biệt lưu ý các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, xăng dầu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, các mặt hàng vật tư trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19…