Xây dựng nông thôn mới, tỉnh Gia Lai đề xuất gì? Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình OCOP |
Nằm ở vị trí trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ theo hướng hiện đại; tạo chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa các loại hình thương mại, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi.
Sản phẩm trà Matcha Maika và Trà Matcha sữa xếp hạng 4 sao của Công ty TNHH Maika Food tại xã Xuân Lộc, Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ |
Đến nay, kết cấu hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ được đầu tư khá đồng bộ theo hướng hiện đại với 4 trung tâm thương mại, 15 siêu thị, 197 chợ truyền thống đang hoạt động ổn định; hệ thống bán lẻ với trên 20.000 cửa hàng tiện ích nằm trong các khu dân cư, phủ kín tới tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực trung du và miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 128/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 50 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Sau 5 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Phú Thọ đã có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó có 47 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao.
Việc tổ chức lại sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn của tỉnh có nhiều đổi mới. Hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung ngày càng được mở rộng.
Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản được chú trọng với nhiều hình thức tổ chức, như tham gia hội chợ làng nghề Việt Nam, lễ hội bưởi Đoan Hùng, hội chợ nông sản, hội chợ kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản tại tỉnh Phú Thọ, mở các gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm bưởi, rau an toàn, sản phẩm OCOP.
Đáng chú ý, cùng với chuyển đổi số trong hoạt động, điều hành, quản lý hành chính của các cấp chính quyền, phủ sóng hệ sinh thái số vào đời sống nhân dân, tiêu chí phát triển sản xuất theo đúng định hướng của nông thôn mới thông minh đang nở rộ khắp nơi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Nhiều địa phương đã linh hoạt nhiều giải pháp, trong đó có ứng dụng mạnh mẽ Internet trong quản lý, chăm sóc, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bán hàng.
Hàng nghìn chủ nhà lưới, chủ trang trại, chủ hợp tác xã tổng hợp, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các yếu tố nông nghiệp thông minh, hiện đại. Nhiều nơi sản xuất, canh tác chè bằng phương thức, công nghệ mới, tiên tiến. Sản phẩm của các hợp tác xã được xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu và chứng nhận OCOP, được đưa lên sàn giao dịch điện tử để giới thiệu, quảng bá, kết nối với khách hàng.
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy tính có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp. Vì vậy, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại không còn là lựa chọn mà trở thành hướng đi bắt buộc với các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành chè để duy trì, mở rộng thị trường trong thời đại công nghệ số.
Bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Công ty Chè Đức Tuân (xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng) - cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại bước đầu phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cũng như khắc phục được những khó khăn về khoảng cách địa lý và thời gian, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng trong sản xuất, kinh doanh.
Hợp tác xã chè Đá Hen ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê đã tập trung sản xuất chè VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm. Các sản phẩm đều được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Hệ thống sản xuất công nghệ cao, áp dụng số hóa… “Trong xu thế hiện nay, việc hiện đại hóa công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số là yếu tố quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm. Chúng tôi canh tác chè theo hướng an toàn, có máy sao chè bằng gas, máy sao sấy bằng tôn, máy hút chân không... Các thiết bị hiện đại, hiển thị thông số kỹ thuật nên sản phẩm làm ra đồng đều, đạt chất lượng”, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc hợp tác xã cho biết.
Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 7/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình OCOP; đến năm 2025, có từ 228 - 282 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt mục tiêu 50% số xã, phường, thị trấn có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; phấn đấu 20% - 25% số các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Xác định chuyển đổi số là động lực và công cụ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhằm xây dựng và phát triển hạ tầng số tỉnh Phú Thọ đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số,… UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch số 3927/QĐ-UBND phát triển hạ tầng số tỉnh Phú Thọ đến năm 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng tăng cường thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là tại vùng nông thôn, miền núi từ các nguồn lực trong xã hội; khuyến khích chuyển dần hình thức thương mại nhỏ lẻ (truyền thống) sang thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử...).