Tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong đổi mới, công nghệ Phụ nữ có những đặc tính phù hợp làm ngân hàng |
Cuốn sách "Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành nhân kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng tới chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Cuốn sách sưu tầm, tập hợp, giới thiệu tới bạn đọc những lá thư thời chiến được tuyển chọn từ hàng nghìn lá thư hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, góp phần làm rõ, tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp, sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng diễn ra hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta.
Những lá thư thể hiện tâm tư của những đôi lứa yêu nhau phải tạm chia xa, của những người vợ đợi chồng, những người con nhớ mẹ, những người chị ngóng tin em... Sự ngăn cách giữa hậu phương và tiền tuyến khiến họ đành gửi gắm những yêu thương, vui buồn cuộc sống và động viên nhau qua những lá thư.
Cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật |
Không chỉ thế, mỗi trang thư tràn đầy tâm tư tình cảm, nỗi niềm nhớ thương nhưng vô cùng chân thực và xúc động, thấm đẫm hiện thực cuộc sống chiến đấu của những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc; cũng là nguyện ước, tâm tình đong đầy cảm xúc và lý tưởng cao đẹp của các mẹ, các chị.
Độc giả không chỉ thấy những dòng cảm xúc chứa chan, mà còn thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được tái hiện qua từng câu chữ. Bao trùm khó khăn, gian khổ, nỗi buồn mà những người bà, người chị, người vợ, người mẹ ấy phải chịu đựng là một niềm tin bất diệt vào ngày chiến thắng của cả dân tộc. Đây chính là minh chứng sâu sắc về tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Lật giở từng trang sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế, độc giả không chỉ thấy những dòng cảm xúc chứa chan, mà còn thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được tái hiện qua từng câu chữ. Bao trùm những khó khăn, gian khổ, nỗi buồn mà những người bà, người chị, người vợ, người mẹ ấy phải chịu đựng là một niềm tin bất diệt vào ngày chiến thắng của cả dân tộc.
Có thể kể đến những bức thư của Nguyễn Thị Ngọc Toản - y sĩ cứu thương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dành cho người yêu là Khánh (sau này là Trung tướng Cao Văn Khánh (1917-1980), nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) được viết trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1973.
Những lá thư phản ánh câu chuyện về tình yêu, về cuộc sống của hai người chiến sĩ trong giai đoạn cuộc chiến đang diễn ra vô cùng ác liệt, sẽ đưa mỗi chúng ta qua nhiều cung bậc cảm xúc, tựu trung là sự ngưỡng mộ tình yêu của anh chị chưa một lần tách biệt với tình yêu và trách nhiệm với công việc, với Đảng.
Hay như, những bức thư giữa nhạc sĩ Trần Hoàn và vợ. Mặc dù cưới nhau năm 1950 nhưng phải đến sau ngày đất nước thống nhất, gia đình vợ chồng Trần Hoàn - Thanh Hồng mới chính thức được đoàn tụ. Vì vậy, những cánh thư và những trang nhật ký là phương tiện duy nhất lúc đó để họ gửi gắm tình cảm và liên lạc với người bạn đời của mình.
Đặc biệt, chúng ta thật xúc động khi nhắc đến bức thư của một nữ thanh niên xung phong gửi cho mẹ. Đây là một bức thư đặc biệt, vì đâu ai ngờ rằng chỉ 5 ngày sau, chị và 9 đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh. Đó là Bức thư gửi mẹ được chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 552 Thanh niên xung phong Hà Tĩnh viết ngày 19/7/1968, là thời điểm địch đánh phá ác liệt nhất tại Ngã ba Đồng Lộc, có ngày chúng trút xuống đây gần 1.000 quả bom các loại và lá thư được viết vội ngay tại chiến trường, trong điều kiện thiếu thốn, không có thời gian và giấy viết để viết nháp, trau chuốt từng câu chữ.
Đã gần nửa thế kỷ từ ngày “Bắc - Nam sum họp một nhà” nhưng bất kỳ ai khi đọc được bức thư này cũng rưng rưng xúc động và tự hào về những cô gái “Mãi mãi tuổi 20”. Dù trong đau thương, mất mát, cận kề giữa sự sống và cái chết, nhưng tinh thần lạc quan, lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ vẫn còn sống mãi.
Với dung lượng gần 400 trang gồm hàng trăm bức thư khắc họa hình ảnh và phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời chiến, cuốn sách giúp thế hệ trẻ hôm nay cảm nhận sâu sắc và hiểu đầy đủ hơn về một thời bom đạn, về những con người đi qua cuộc chiến, đồng thời tiếp lửa cho thế hệ phụ nữ hôm nay học tập, tiếp bước, noi theo thế hệ những người mẹ, người chị Việt Nam anh hùng, để trau dồi, rèn luyện bản thân có thêm năng lực, bản lĩnh, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Thái Bình cho biết, thời gian càng lùi xa, những vật chứng ấy lại càng trở nên có giá trị, đã trở thành kỷ vật vô giá đối với người ở lại, thành di sản chung của dân tộc.
Theo Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cuốn sách sẽ là tư liệu quý, cung cấp cho độc giả cái nhìn chân thực nhất về phẩm chất anh hùng của một thế hệ sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng đất nước, để mỗi chúng ta hiểu và trân trọng hơn những giá trị mà lịch sử mang lại cho hòa bình hôm nay.
Tại buổi ra mắt sách, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết đánh giá cao vai trò người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến nói riêng và những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử cũng như giá trị, ý nghĩa của cuốn sách "Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế" đối với thế hệ hôm nay, đặc biệt là bạn đọc trẻ.