Phòng ngừa nguy cơ xâm hại trẻ em trên không gian mạng

Nghỉ hè là thời điểm trẻ em dễ bị tổn thương trên không gian mạng nếu thiếu sự giám sát từ người lớn và các biện pháp bảo vệ hiệu quả.
Quảng Ninh: Tăng cường công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ emCác chuyên gia Israel cùng Việt Nam nâng cao nhận thức về nạn bắt nạt trên không gian mạngTăng "đề kháng" cho trẻ em trước cạm bẫy trên mạng

Nguy cơ gia tăng trong kỳ nghỉ hè

Kỳ nghỉ hè mang đến cho trẻ em nhiều thời gian rảnh rỗi, nhưng cũng vô tình tạo ra khoảng trống nguy hiểm nếu thiếu sự giám sát từ gia đình và nhà trường. Trong bối cảnh này, mạng xã hội trở thành nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro, bị các đối tượng xấu lợi dụng để tiếp cận, lừa đảo và xâm hại trẻ.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững năm 2024, có đến 83,9% trẻ em tham gia khảo sát có sử dụng điện thoại và tỷ lệ sử dụng mạng xã hội là 86,1%; 97% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng điện thoại từ 1 tiếng đồng hồ/ngày, trong đó gần 27% sử dụng tới 5 tiếng/ngày. Thói quen sử dụng mạng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến trẻ dễ trở thành mục tiêu của hành vi quấy rối, đe dọa, tống tiền, thậm chí lạm dụng tình dục.

Tháng 3 năm 2025, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hà Nội tiếp nhận trình báo từ gia đình cháu T, 16 tuổi. Cháu bị một đối tượng trong game có tên K dụ dỗ gửi video nhạy cảm để đổi lấy tài khoản game. Sau đó, đối tượng đe dọa phát tán video nhằm ép buộc cháu tiếp tục cung cấp thêm clip và chuyển tiền.

Nguy cơ xâm hại trẻ em trên mạng dịp nghỉ hè
Ảnh minh họa

Theo Công an TP. Hà Nội, các đối tượng thường sử dụng Facebook, Zalo, Instagram, các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Litmatch, phòng chat ảo hoặc game online như Liên Quân Mobile, PUBG, Free Fire để làm quen, tiếp cận trẻ. Chúng thường khơi gợi các chủ đề học hành, sở thích, rồi chuyển sang giới tính, tình dục... Nhiều đối tượng còn hứa hẹn chuyện tình cảm, tặng quà, cho vay tiền để dễ tiếp cận, gặp mặt thực tế rồi thực hiện hành vi xâm hại.

Những sự việc này cho thấy, ngoài nguy cơ thực tiễn, còn tồn tại một khoảng trống pháp lý đáng lo ngại. Khi không gian mạng phát triển quá nhanh nhưng các biện pháp bảo vệ lại chưa theo kịp, trẻ em đang trở thành nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Hoàn thiện pháp lý, nâng cao nhận thức để bảo vệ trẻ

Luật sư Lê Văn Lên, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, pháp luật hình sự Việt Nam đã có quy định để xử lý hành vi xâm hại trẻ em trên mạng như Điều 155, 156, 185, 288 và 326 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, khung pháp lý vẫn còn phân tán, chưa có tính chuyên sâu và thiếu cơ chế phòng ngừa hiệu quả.

Luật sư đề xuất cần xây dựng đạo luật riêng hoặc chương luật chuyên biệt về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đồng thời, cần tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật chuyên trách về công nghệ. Các nền tảng mạng xã hội cũng cần có trách nhiệm rõ ràng hơn trong việc kiểm duyệt nội dung, minh bạch thuật toán và thiết lập mặc định các công cụ bảo vệ trẻ.

Về phía gia đình và nhà trường, cần đẩy mạnh giáo dục kỹ năng số cho trẻ. Trẻ phải được trang bị khả năng tự phòng vệ, nhận diện nguy cơ, từ chối tương tác độc hại và biết cách báo cáo hành vi bất thường. Phụ huynh cần thiết lập giới hạn thời gian sử dụng thiết bị, kiểm soát nội dung truy cập và thường xuyên đối thoại với con. Một số địa phương đã triển khai hiệu quả mô hình "Lớp học an toàn mạng" như tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, nơi trẻ được học cách phân biệt tin giả, nhận biết nguy cơ và xử lý tình huống trên mạng.

Để phòng, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ Công an TP. Hà Nội có một số khuyến cáo:

Đối với phụ huynh, phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động online của con, em mình. Kiểm tra danh sách bạn bè, các hội nhóm mà con, em mình tham gia trên mạng xã hội. Thường xuyên giáo dục con em mình về an toàn thông tin trên mạng, không nói chuyện với người lạ. Đồng thời, giải thích cho trẻ về mối nguy hiểm khi chia sẻ thông tin, hình ảnh, video nhạy cảm trên mạng xã hội, khuyến khích trẻ báo ngay với bố mẹ, thầy cô khi bị ai đó dụ dỗ, đe dọa,…

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, không gửi ảnh, video nhạy cảm của bản thân cho người khác (kể cả người lạ và người quen). Không chia sẻ thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ nhà, địa chỉ trường học, số điện thoại với người lạ. Cảnh giác với các trường hợp yêu cầu gọi video, gửi ảnh riêng tư hoặc hứa hẹn tặng quà. Không truy cập vào đường link lạ, các liên kết hoặc các tập đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội vì có thể chứa mã độc hoặc lừa đảo.

Phụ huynh khi nhận thấy dấu hiệu con, em mình bị xâm hại và lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ngay lập tức dừng mọi giao dịch, lưu lại bằng chứng (tin nhắn, hình ảnh chụp màn hình) và trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.

Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian quý báu để trẻ em phát triển nhưng cũng là giai đoạn dễ bị tổn thương nhất nếu thiếu sự đồng hành của người lớn. Việc bảo vệ trẻ không thể dừng lại ở các khẩu hiệu mà cần những hành động cụ thể, quyết liệt và có tầm nhìn dài hạn từ gia đình, nhà trường, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp công nghệ. Chỉ khi mọi bên cùng hành động, không gian mạng mới thực sự trở thành môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em Việt Nam.
Đăng Khoa
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận