Đoàn đại biểu, chuyên gia và các diễn giả trong buổi Hội thảo ngày 20/7/2023 |
Bắt nạt trên môi trường mạng đã và đang trở thành một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với thanh thiếu niên ở ASEAN, cụ thể 59% học sinh Thái Lan từng bị bắt nạt trên mạng ít nhất một lần một tháng; 80% học sinh lớp 7 ở Indonesia thỉnh thoảng hoặc thường xuyên bị bắt nạt trên mạng;… Theo khảo sát của UNICEF, tại Việt Nam, có khoảng 21% học sinh đã từng là nạn nhân của nạn bạo lực mạng và có tới 66% người không biết tới đường dây trợ giúp khẩn cấp trong vấn đề này.
Sáng 20/7, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức chia sẻ những điển hình về phòng chống nạn bắt nạt trên mạng cùng các hướng tiếp cận sáng tạo đa ngành để nâng cao nhận thức cho xã hội về vấn đề ngày càng nóng trên toàn cầu này.
Ông Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam |
Tại hội thảo, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer chia sẻ: Chúng ta đã sử dụng internet như một công cụ tuyệt vời để giao tiếp, chia sẻ và kết nối với nhau trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận này internet vẫn tồn tại những mặt trái nhất định. Một trong số đó chính là vấn nạn quấy rối, bắt nạt, bôi nhọ cũng như đánh cắp danh tính qua mạng. Đây là vấn đề thực sự nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ em – thế hệ dành phần lớn thời gian để lướt internet và sẽ trở thành nạn nhân tiềm tàng của nạn bắt nạt trên không gian mạng. Hôm nay, tại hội thảo này, chúng tôi hy vọng các diễn giả đến từ Israel và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác chia sẻ các giải pháp phòng chống bắt nạt trên mạng quốc tế, đấu tranh và ngăn chặn bắt nạt trên mạng.
Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội |
Cũng trong phiên khai mạc buổi hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Lưu Quang Tuấn chia sẻ: Việt Nam có số người sử dụng internet đứng thứ 12 trên thế giới và trung bình một người sẽ dành 7 tiếng một ngày trên các nền tảng xã hội. Phân tích sâu hơn, những con số chỉ ra rằng thanh thiếu niên chính là đối tượng người dùng quen thuộc, đồng thời cũng là những nạn nhân bị bắt nạt nhiều nhất trên môi trường mạng. Các hình thức bắt nạt rất đa dạng bao gồm: tin nhắn bắt nạt, cắt ghép hình ảnh, video bôi nhọ hoặc bị quay lén đưa lên mạng,... Tuy nhiên ¾ số lượng thanh thiếu niên không hề biết “cách cầu cứu” ở đâu, hay bất kì đường dây nóng nào để liên lạc. Hậu quả của bạo lực mạng có thể rất nghiêm trọng, dẫn đến ảnh hưởng nặng về thể chất và sức khoẻ tinh thần. Chỉ bằng “một cú click 1.0s” cũng đã đủ tạo ra những tâm lý bất ổn, méo mó khi trường thành, hay cảm giác không hề an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn nạn bạo lực mạng, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những hành động thiết thưc trong việc thiết lập, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đảm bảo sự an toàn của trẻ em trước các tác nhân xấu có thể xảy ra khi tiếp xúc với môi trường internet. Điển hình có thể kể đến Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025. Với mục tiêu kép là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, đồng thời duy trì môi trường mạng lành mạnh, Chương trình tập trung giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức và trang bị kĩ năng cho đối tượng là trẻ em.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Có thể kể đến như Hội thảo “Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội”, Công bố báo cáo nghiên cứu “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại – Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng”, Toạ đàm “Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”,…
Ông Doron Herman, CEO Safe School Analytics |
Ngoài ra, phát biểu về phương án cũng như những hành động thực tiễn trong công tác bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực mạng, ông Doron Herman, CEO Safe School Analytics cho biết trong thực tế, ngành thống kê và phân tích thường đưa ra các số liệu thông tin chậm hơn so với tình hình đang diễn ra. Tuy nhiên, việc can thiệp và hành động ngay lập tức khi xảy ra vấn đề lại là một yếu tố cần thiết. Chính vì vậy, để khắc phục thiếu sót này, chúng ta cần phải có một hệ thống đào tạo, giáo dục dành cho giáo viên và học sinh về những biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Bên cạnh đó, sự góp mặt của các doanh nghiệp, tổ chức dưới dạng doanh nghiệp hay các tổ chức phi chính phủ với những công nghệ tân tiến nhất cũng là những nhân tố không thể thiếu trong cuộc chiến này.
Nếu bạn là nạn nhân bị bắt nạt trên không gian mạng, hãy liên hệ ngay đường dây nóng 111 (tổng đài 24/24h) để nhận được sự trợ giúp. |