VCCI góp ý gì về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo? Áp giá sàn xuất khẩu gạo khó khả thi Gạo chất lượng cao dần chiếm ưu thế xuất khẩu |
Đây là một trong những yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về sản xuất, thị trường lúa gạo và phòng chống hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày 7/3, tại TP. Cần Thơ.
Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian qua phản ứng chính sách đối với diễn biến thị trường lúa gạo khá kịp thời, tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp về diễn biến thời tiết, hoạt động sản xuất, xuất khẩu trên thị trường thế giới còn là điểm yếu.
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Những dự báo, đánh giá về nhu cầu gạo trên thế giới cho thấy triển vọng tốt đối với lúa gạo Việt Nam, có thương hiệu, phân khúc riêng. Do đó, về mặt quản lý xuất khẩu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng tình hình thị trường lúa gạo trong nước khi phân khúc lúa gạo chất lượng cao vẫn ổn định về giá cả; khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Việc sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP với những điều chỉnh quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp muốn được cấp phép xuất khẩu gạo phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt, bao gồm năng lực liên kết sản xuất, hệ thống kho bãi và năng lực tài chính. Đây được coi là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của hoạt động xuất khẩu lúa gạo.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về hoạt động sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, bao gồm diễn biến thời tiết, dự báo thị trường, kỹ thuật canh tác, hoạt động chỉ đạo điều hành. Đồng thời, quy định trách nhiệm cung cấp, quyền tiếp cận thông tin của các chủ thể liên quan; "đặt hàng" nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế để phục vụ quản lý nhà nước về thị trường lúa gạo.
"Chúng ta cần thay đổi tư duy, thiết lập công cụ theo dõi, cập nhật, dự báo thị trường, biến động thời tiết, khí hậu, làm căn cứ điều chỉnh, quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo, không để bị động", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo khẩn trương hoàn thiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp bao gồm các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia Đề án, phương pháp tính toán tín chỉ carbon…
Các địa phương bám sát Luật Đất đai, các nghị định về đất nông nghiệp, hỗ trợ nông nghiệp, rà soát, có tiêu chí lựa chọn các vùng sản xuất lúa lớn để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, chuẩn bị và đề xuất gói chính sách đi kèm.
![]() |
Cần điều chỉnh kế hoạch mua dự trữ nhà nước, chủ động theo dõi thị trường và tình hình sản xuất để có thời điểm thu mua phù hợp, góp phần hỗ trợ nông dân trong thời điểm hiện nay. Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Phó Thủ tướng cũng lưu ý mọi chính sách cho ngành lúa gạo phải dựa trên tiêu chí liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu lúa gạo quốc gia mạnh mẽ, đăng ký bản quyền, chỉ dẫn địa lý, để phục vụ xúc tiến thương mại, mở thêm các thị trường mới; phát triển thương mại điện tử cho ngành hàng lúa gạo…
Khó khăn của ngành lúa gạo chỉ 2-3 tháng
Thông tin tại hội nghị, ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - nhận định, khó khăn của ngành lúa gạo chỉ 2-3 tháng, nếu giải quyết được bài toán mua tích trữ để chờ thời điểm thị trường điều chỉnh ổn định thì sẽ không gặp khó khăn.
Hiện nay, lúa gạo chất lượng cao chiếm khoảng 80% thị phần xuất khẩu, hiện giá xuất khẩu loại gạo này ở ngưỡng 530 - 540 USD/tấn, chỉ giảm so với năm ngoái nhưng vẫn cao hơn mặt bằng giá của năm 2023. Như vậy về giá gạo xuất khẩu và giá lúa gạo trong nước chúng ta không quá lo lắng.
Cũng theo ông Đỗ Đức Duy, giá trong nước thấp nhất ở đây là lúa IR 504, giá thành sản xuất khoảng 3.800 - 4.300 đồng/kg, còn mua tại đồng hiện nay là 5.400 đồng/kg trở lên. Như vậy là lợi nhuận của bà con nông dân đạt khoảng 30% trở lên.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích sản xuất lúa năm 2025 dự kiến đạt 7 triệu ha, giảm 132.000 ha so với năm 2024. Trong đó, sản lượng lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2025 dự kiến đạt hơn 24 triệu tấn với diện tích dự kiến là 3,79 triệu ha. Trong đó, vụ Đông Xuân 2024-2025 dự kiến sản lượng đạt gần 10,8 triệu tấn trên diện tích 1,5 triệu ha. |