Hà Nội tìm giải pháp hỗ trợ phát triển làng nghề 'Phở Nam Định' có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó phở Hà Nội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian.
Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở |
Phở Hà Nội đáp ứng đầy đủ các tiêu chí có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Trước đó theo hồ sơ TP. Hà Nội đề xuất, chủ thể của món phở là những cá nhân, gia đình trực tiếp thực hành và nắm giữ những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết chế biến phở; được trao truyền qua nhiều thế hệ thể hiện yếu tố tiếp nối bản sắc và thương hiệu được ghi nhận.
Tính đến năm 2023, Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên. Những thương hiệu phở gia truyền (có hơn 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Còn tại Quyết định số 2316/QĐ- BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký ban hành, Nghề ướp Trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.
Quảng An nằm cạnh hồ Tây xưa kia là một vùng sen rộng lớn của Hà Nội và đây cũng chính là cái nôi của nghề ướp trà sen nổi tiếng. Quảng An xưa có tên gọi là xóm Mẩu, là một vòm đất nhỏ nhô ra phía hồ Tây, bao quanh là đầm, ao, hồ. Do khí hậu, nguồn nước và đặc biệt là thổ nhưỡng, hồ Tây nổi tiếng với giống sen quý cánh kép, hương thơm ngào ngạt, còn được gọi là sen bách diệp.
Loại sen này “khi nở to như hai bàn tay, có trăm cánh, xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và gạo sen, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm”. Từ xa xưa, người Quảng An đã sử dụng sen bách diệp để sáng tạo nên sản phẩm trà sen và những tri thức làm trà sen đã được bao đời trao truyền, gìn giữ đến ngày nay.
Người làm trà sen hiện nay hầu hết sử dụng trà Thái Nguyên để ướp. Hai vùng trà được lựa chọn nhiều nhất là La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ) và Tân Cương (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên).
Hiện nay, tại Quảng An có nhiều hộ gia đình vẫn duy trì nghề ướp trà sen. Quy trình làm trà sen khô cũng lắm công phu, từ khâu nguyên liệu, rửa trà, tách gạo sen, ướp trà, sấy trà, đóng gói và bảo quản.