Nhiều vấn đề khó khăn cần tháo gỡ
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố, diễn ra sáng 5/7 đã nhận được ý kiến, kiến nghị của hàng chục doanh nghiệp, liên quan đến các nội dung chính như: Quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề; khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn |
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Lương, đại diện Công ty TNHH mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) bày tỏ mong muốn được thành phố tháo gỡ khó khăn, nhất là về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ xúc tiến thương mại ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Hồng Kông (Trung Quốc); tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Giám đốc HTX Đức Anh, ông Đồng Quang Chính nêu những khó khăn về chi phí tham gia các chương trình xúc tiến, trong giao thương… HTX đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài, tạo ra nhiều sân chơi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại.
Còn ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phú Thành Phát (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) cho hay: “Lao động ở các làng nghề hiện chủ yếu là người già, nông dân, sản xuất mang tính chất ‘cha truyền, con nối’, chưa được đào tạo bài bản. Tôi đề nghị thành phố hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề để nâng cao kỹ thuật, tay nghề, khuyến khích người dân tham gia học tập, sản xuất, làm nghề thủ công truyền thống”.
Đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn |
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thăng Long (thôn Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh) mong muốn, thành phố tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư vào phát triển ngành nghề.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thành, làng nghề sản xuất bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) mong muốn được thành phố chấp thuận đầu tư xây dựng khu trải nghiệm làng nghề để quảng bá sản phẩm và đón khách tham quan.
Ngoài ra, ông Lê Văn Nguyên, chủ cơ sở sản xuất tranh thêu tay truyền thống Xuân Nguyên (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) đề nghị được hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; được đào tạo, tập huấn bán hàng online để tranh thủ lợi thế tiêu dùng hiện đại...
Đối thoại tháo gỡ cùng doanh nghiệp
Sau khi lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp làng nghề, đại diện các sở, ngành thành phố đã giải đáp các vướng mắc. Với kiến nghị của bà Nguyễn Thị Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết: Hàng năm, Sở đều tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, làng nghề Hà Nội ở nước ngoài. Doanh nghiệp tham gia được hỗ trợ dưới 2 hình thức: Nếu tham gia hội chợ, sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí gian hàng; nếu tham gia xúc tiến thương mại, được hỗ trợ vé máy bay. Năm 2024, Sở tiếp tục tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại và sẽ thông tin sớm để các doanh nghiệp tham gia.
Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Linh |
Liên quan đến ý kiến của bà Lương về mặt bằng sản xuất, đại diện Sở Công Thương cho hay, Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Phú Xuyên) đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, đang thu hút doanh nghiệp vào hoạt động. Sở đề nghị huyện Phú Xuyên tiếp tục tuyên truyền để các hộ sản xuất trong khu dân cư vào cụm sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, với kiến nghị về việc tiếp cận vốn vay ưu đãi của bà Nguyễn Thị Lương, thành phố Hà Nội hiện có Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội. Nếu doanh nghiệp của bà Lương và các doanh nghiệp làng nghề khác có nhu cầu vay vốn thì liên hệ với quỹ này để được hướng dẫn thủ tục.
Trả lời về vấn đề vốn vay, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho hay, ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chính sách và giải pháp tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh các giải pháp có tính khả thi đối với các gói tín dụng, chính sách ưu đãi góp phần hỗ trợ và tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, ngân hàng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị tháo gỡ về vốn cho các doanh nghiệp, làng nghề; có chính sách, cơ chế điều chỉnh giãn, giảm thuế, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho các doanh nghiệp.
Ngân hàng đã và đang có các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khách hàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng bằng các giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay; có những sản phẩm gói tín dụng, sản phẩm vay ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làng nghề có thể tiếp cận…
Hiện Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được thành phố công nhận. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Tuấn |
Liên quan đến công tác đào tạo nghề, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, trước đây, thành phố đào tạo theo danh mục nghề sẵn có. Hiện nay, Sở nắm bắt và cập nhật nhu cầu đào tạo theo thực tế của người lao động gắn với giải quyết việc làm. Năm 2024, Sở đã xây dựng Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, trình HĐND thành phố thông qua làm cơ sở để triển khai thực hiện từ năm 2025, dự kiến mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ của trung ương...
Liên quan đến vấn đề xúc tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương trả lời, công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND thành phố giao HPA.
Thời gian qua, HPA đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Tại các hội chợ này HPA đã xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu và trình diễn sản phẩm làng nghề nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm tới du khách cũng như doanh nghiệp, hệ thống phân phối, các nhà nhập khẩu. Với mục đích trên, kết quả đều mang đến cho doanh nghiệp cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đầu năm 2024, HPA đã tổ chức hội chợ xúc tiến tại Lào, gần chục sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã tham gia và được giới thiệu, quảng bá đến nhân dân Lào. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo thành phố Hà Nội để tiếp tục được tổ chức các chương trình hội chợ tương tự để các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của các cơ sở, doanh nghiệp được đến tay người tiêu dùng”, ông Nguyễn Ánh Dương nói.
Đồng thời, HPA sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình lớn như Đặc sản vùng miền, các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô như: Những ngày Hà Nội tại Điện Biên, Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh… HPA mong muốn kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm làng nghề tại các chương trình này.
Đưa Luật Thủ đô trở thành động lực phát triển làng nghề
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị khẳng định sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Hà Nội đối với sự phát triển của các làng nghề.
“2 năm qua, GRDP của Hà Nội luôn đạt trên 50 tỷ USD, trong đó, doanh thu của các làng nghề chiếm khoảng 1 tỷ USD (bằng 1/50 tổng giá trị sản xuất của Hà Nội), đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn…”, ông Trần Sỹ Thanh nói.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn |
Theo Chủ tịch Trần Sỹ Thanh, làng nghề là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của Thủ đô Hà Nội và Việt Nam nói chung, trong đó có những giá trị đã tồn tại hàng nghìn năm. Thậm chí, sự phát triển của các làng nghề đã giúp mang văn hoá Hà Nội và của Việt Nam ra thế giới, giao lưu với các nước bạn; qua đó khẳng định trong bối cảnh nào, Việt Nam cũng là quốc gia có nền văn hoá vô cùng đặc sắc.
Khẳng định phát triển làng nghề là vấn đề có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cũng bày tỏ băn khoăn, có lúc này lúc khác, có thời kỳ này thời kỳ khác thì sự quan tâm đến vấn đề làng nghề là khác nhau, thậm chí chưa đầy đủ.
“Sự thiếu quan tâm này khiến hiệu quả, kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển làng nghề chưa được như mong muốn; làm phiền lòng, gây ra nhiều khó khăn cho các chủ doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội”, ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ.
Theo Chủ tịch Trần Sỹ Thanh, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của làng nghề, trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề. Trong Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua đã đề cập nhiều điều, khoản để thúc đẩy phát triển lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Chủ tịch UBND thành phố nói thêm, hiện nay thành phố đang nghiên cứu để chỉ đạo cụ thể các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, nông thôn và gìn giữ, phát huy giá trị các làng nghề, ông Trần Sỹ Thanh cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thủ đô nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển, hướng đến xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”.