Khai mạc Hội chợ Hàng Việt Đà Nẵng 2023 - Tôn vinh sản phẩm OCOP Nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn miền Trung |
Sản phẩm OCOP Đà Nẵng – Tăng trưởng tốt, lấy chất lượng bù số lượng
Chiều 7/6, tại thành phố Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng và Sở Công Thương thành phố phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức Hội thảo “Phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng”.
Hội thảo "Phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng" trao đổi những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai chương trình OCOP Đà Nẵng hiệu quả |
Qua 3 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, thành phố Đà Nẵng có 64 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP với 53 chủ thể, tập trung ở các nhóm sản phẩm thực phẩm tươi sống; thực phẩm sơ chế, chế biến; đồ uống; chè, cà phê; vải, may mặc; thảo dược. Có 2 nhóm chưa có sản phẩm OCOP là du lịch và thủ công mỹ nghệ, trang trí.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, so với các địa phương khác, các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng ít hơn nhưng có sự chọn lựa, thể hiện được thế mạnh, đặc trưng của địa phương; đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. 90% sản phẩm OCOP Đà Nẵng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch; hơn 60% sản phẩm có ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VIETGAP, ISO, HACCP; hơn 90% sản phẩm OCOP Đà Nẵng đã lên sàn thương mại điện tử; gần 70% sản phẩm (44/64 sản phẩm) đã được đưa vào các kênh phân phối tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị mini, siêu thị đặc sản, chợ.
Đáng chú ý 16/64 sản phẩm của 10 chủ thể lên kệ các siêu thị, chuỗi phân phối lớn; hơn 70% chủ thể OCOP có doanh thu tăng 15%/năm….
Nhiều sản phẩm OCOP đồng thời là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Một số chủ thể sản phẩm OCOP đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tạo dựng được chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU….
Ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Đà Nẵng cho rằng các chính sách phát triển sản phẩm OCOP chỉ mang tính chất hỗ trợ, chính các chủ thể OCOP mới quyết định sự tồn tại của sản phẩm hay không |
Là đơn vị thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ khi tham gia chương trình OCOP, bà Mai Thị Ý Nhi – Đại diện Công ty Mỹ Phương Foods cho biết: đơn vị đã được quảng bá, xúc tiến thương mại hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ. “Tham gia chương trình OCOP, các chủ thể sản phẩm OCOP sẽ được chuẩn hóa sản phẩm, được cơ quan nhà nước hỗ trợ. Đặc biệt là chuẩn hóa về an toàn thực phẩm, chuẩn hóa các tiêu chuẩn về thương mại. Nhờ đó, nhiều người tiêu dùng, đối tác phân phối đã chủ động tìm đến sản phẩm của chúng tôi”, bà Mai Thị Ý Nhi nói.
Làm gì để phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng hiệu quả?
Ông Nguyễn Phú Ban – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng cho rằng phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là phát triển kinh tế, mà còn mang tính chất xã hội, văn hóa, bảo tồn được giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương. Bởi vậy, các chủ thể sản phẩm OCOP phải truyền tải được thông điệp, kể được câu chuyện để làm bật được giá trị văn hóa sản phẩm. Ngoài sản xuất, trong thương mại hóa sản phẩm, các sản phẩm OCOP phải liên kết, kết nối hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mà ở đó phải xác định được doanh nghiệp đầu chuỗi. Theo ông Ban, hiện Chính phủ và TP. Đà Nẵng có nhiều chính sách phát triển sản phẩm OCOP, tuy nhiên, các chính sách này mang tính chất hỗ trợ, khơi mào còn sản phẩm OCOP có thương mại hóa được hay không tùy thuộc vào người mua vì vậy, các chủ thể OCOP phải làm ra sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng góp ý, đề xuất các chính sách để phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng |
Chia sẻ những kinh nghiệm để thương mại hóa nông sản thành công, bà Nguyễn Thị Thành Thực – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri – Doanh nhân kinh doanh nông sản kỳ cựu của Việt Nam, cho rằng: các chủ thể sản phẩm OCOP cần lên phương án kinh doanh thật kỹ trước khi bắt đầu sản xuất, thương mại, hóa sản phẩm. Trong đó, phải lưu ý xác mạnh được thế mạnh của sản phẩm (vùng nguyên liệu, kỹ thuật công nghệ, nhân lực, thị trường, vốn…); xác định thị trường (đối tượng khách hàng, phân khúc khách hàng, đối thủ cạnh tranh…); tìm hiểu các quy định pháp luật khi phát triển sản phẩm, đặc biệt lưu ý về tuân thủ quy định thuế, bảo hiểm, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác…
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, một trong những vấn đề các sản phẩm OCOP hay gặp phải đó là chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất. Vì vậy, các chủ thể OCOP phải đưa ra quy trình công việc cụ thể, chi tiết; và có kế hoạch tài chính tỉ mỉ, trong đó, tính đúng, tính đủ chi phí là yếu tố cốt lõi để thành công trong sản xuất kinh doanh, có tính đến dự phòng các rủi ro và có phương án xử lý khi xảy ra.
Ngoài ra, các chủ thể OCOP phải luôn luôn học hỏi và ứng dụng công nghệ số. “Ứng dụng công nghệ số là xu hướng tất yếu, là môi trường để học hỏi và tiết giảm chi phí, tiếp thị, bán hàng tốt nhất”, bà Nguyễn Thị Thành Thực nói.
Đại diện các nhà phân phối, siêu thị tìm hiểu các sản phẩm OCOP Đà Nẵng |
Đề xuất để phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng hiệu quả, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng nên có “Hội đồng tư vấn sản phẩm OCOP” mời những người có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường để giúp chủ thể sản phẩm OCOP có thể đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí, giúp chủ thể sản phẩm OCOP có khả năng thành công cao hơn và bền vững.
Bên cạnh đó, nên có chiến lược đầu tư “Cụm làng nghề” hoặc khu hạ tầng chuyên phục vụ cho các sản phẩm OCOP, có thể có các cơ sở dùng chung giúp các chủ thể OCOP có môi trường giao lưu, học hỏi, chi phí sản xuất hợp lý. Đây cũng là nơi có thể thu hút khách du lịch trải nghiệm sản xuất và tin tưởng sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, Đà Nẵng không có lợi thế về số lượng sản phẩm OCOP, nhưng lại có lợi thế là thành phố du lịch. Vì vậy, thành phố có thể tham khảo mô mình “Chợ OTOP” ở Phuket (Thái Lan) (OTOP của Thái Lan tương đương là sản phẩm OCOP của Việt Nam) là một mô hình phù hợp với Đà Nẵng có thể tham quan, học hỏi.
Theo kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng đến năm 2025, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu có 135 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, 2 – 3 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao; có ít nhất 3 – 5 sản phẩm OCOP làng nghề truyền thống, ít nhất 2 sản phẩm OCOP là dịch vụ du lịch. Hình thành Trung tâm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP cấp thành phố, đẩy mạnh hình thành điểm trưng bày sản phẩm OCOP các quận, huyện. |
Ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng: Sở Công Thương Đà Nẵng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ sản phẩm OCOP thương mại hóa sản phẩm, gồm: Tiếp tục xúc tiến, kết nối hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP Đà Nẵng vào siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Tổ chức chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng Đà Nẵng ở các khu điểm du lịch thành phố. Các quận huyện đã tổ chức các điểm bán sản phẩm OCOP, điểm bán sản phẩm OCOP tại các chợ du lịch như chợ Hàn, chợ đêm Sơn Trà. Hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước (dự kiến đến cuối năm 2023 còn 7 đợt đi xúc tiến, quảng bá giới thiệu); Tổ chức một số đoàn quảng bá sản phẩm ở nước ngoài như Lào, Quảng Châu (Trung Quốc)…. Hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP xây dựng website và đào tạo kỹ năng quản trị kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. |