Gia Lai: Nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh mới Bắc Giang: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hải Bình - Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - chia sẻ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đưa ra những quan điểm lý luận đầu tiên ở Việt Nam về hợp tác xã. Trong cuộc đời mình, Bác Hồ đã luôn dành thời gian quan tâm tới người nông dân, khu vực nông thôn. Hợp tác xã được bác đề cập 505 lần trong các thư, văn kiện, bài báo. Dựa trên lý luận của Bác, Đảng và Nhà nước đã xây dựng chính sách, thể chế cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Ông Lê Hải Bình - Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Năm 1996, Việt Nam thông qua Luật Hợp tác xã đầu tiên. Sau đó, từ thực tế triển khai đã ban hành Luật Hợp tác xã 2003, Luật Hợp tác xã 2012 sửa đổi, từ đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Chia sẻ những mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả và bền vững. “Lâu nay khi nói về hợp tác xã nhiều người nghĩ đến những hình ảnh xưa cũ, nếu hình dung lại trong đầu chắc là bộ phim đen trắng chứ không phải bộ phim màu”, ông Lê Hải Bình chia sẻ.
Ngày nay ở các nước phát triển hàng đầu thì vai trò của khu vực kinh tế hợp tác xã đóng vai trò hàng đầu. Ví dụ ở Hàn Quốc, 98% nông dân vào khu vực hợp tác xã, ở Đức hợp tác xã cũng đóng vai trò quan trọng. Điều này cho thấy cần phải phát triển nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã ở các cấp, các ngành…
Trong báo cáo Giám sát hợp tác xã Thế giới (Word Co-operrative Moniter) – cho biết, 300 tổ chức hợp tác xã lớn nhất có tổng doanh thu 2.146 tỷ USD vào năm 2020 so với năm 2018 là 2.140 tỷ USD.
Việt Nam đặt mục tiêu có 3 hợp tác xã lọt “Top 300” hợp tác xã hàng đầu thế giới, đây là mục tiêu hết sức quan trọng. Không khác gì đặt mục tiêu có Tập đoàn nằm trong “Top 300” Tập đoàn lớn nhất thế giới.
Theo ông Lê Hải Bình, tới đây cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ, hoài nghi về mô hình hợp tác xã kiểu mới, bác bỏ luận điệu xuyên tạc đòi xóa bỏ kinh tế tập thể.
Bên cạnh đó, đề cao vai trò của cấp uỷ chính quyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã, phát huy tin thần tự chủ, tự giác về kinh tế tập thể, tuyên truyền mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả; phản ánh quá trình rà soát, bổ sung về cơ chế, chính sách pháp luật; tuyên truyền vai trò hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ Trung ương đến địa phương…
Toàn cảnh Hội nghị |
Ông Bùi Trường Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, từ năm 2002 đến nay, Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Tuy nhiên, ông Bùi Trường Giang cũng đặt ra những vấn đề về lý luận đó là chưa tạo bước chuyển biến căn bản trong nhận thức và tư duy lý luận về kinh tế tập thể, còn có những điểm chưa thống nhất, nội dung chưa rõ, chưa thấy được tính quy luật chung và tính đặc thù của sự hình thành, phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời kỳ mới.
Do đó, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, thống nhất, nâng cao nhận thức, hình thành hệ thống lý luận nền tảng về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong thời kỳ mới. Ngoài ra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể; hoàn thiện đồng bộ chính sách thúc đẩy, hỗ trợ, cơ chế huy động, bảo đảm các nguồn lực phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - ông Nguyễn Ngọc Bảo - thông tin, nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi so với phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã diễn ra chậm; khoảng 50% số hợp tác xã được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn hợp tác xã ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.
Để thúc đẩy nhanh quá trình này, ông Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị, cần ban hành hướng dẫn về chuyển đổi số cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo ngành, lĩnh vực mà các bộ, ngành, địa phương quản lý trên cơ sở Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ…
Cũng tại hội nghị, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề nghị bổ sung, sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 với nhiều nội dung. Trong đó có chỉnh sửa quy định về việc kết nạp thành viên theo hướng tạo điều kiện tối đa cho mọi cá nhân, tổ chức có nguyện vọng, tự nguyện tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Đến hết tháng 12/2021, cả nước có 26.823 hợp tác xã (trong đó có 17.507 hợp tác xã nông nghiệp, 9.316 hợp tác xã phi nông nghiệp). Giai đoạn 2013-2021, có 16.505 hợp tác xã được thành lập mới (bình quân mỗi năm thành lập mới 1.838 hợp tác xã) nhưng bên cạnh đó cũng đã có 7.570 hợp tác xã giải thể; cơ cấu lại hoặc chuyển sang hình thức khác đối với 8.200 hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả. |