622 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương Giải ngân vốn đầu tư công phải mạnh tay ngay từ đầu năm |
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 8,7% kế hoạch
Ước tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng năm 2024 đạt 8,7% tổng kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 9,13%. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2023 đạt tổng 6,55% kế hoạch và đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Có 4/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Cụ thể, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài truyền hình Việt Nam (34,92%), Bộ Xây dựng (32%), Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (27,83%), Hậu Giang (30,15%), Tiền Giang (27,62%), Vĩnh Phúc (21,49%), Tuyên Quang (21,26%), Hòa Bình (20,95%).
Tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng năm 2024 ước đạt 8,7% tổng kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (Ảnh minh họa) |
Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm được đánh giá tích cực hơn so với năm 2023, tuy nhiên theo Bộ Tài chính, 2 tháng đầu năm vẫn còn 32 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 5%.
Trong khi đó, năm 2024, đầu tư công vẫn được Chính phủ xác định là một trong 3 động lực tăng trưởng. Do đó để đầu tư công trở thành động lực tăng trưởng, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai ngay các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để làm thủ tục chuyển nguồn các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sang năm 2024, làm căn cứ tiếp tục giải ngân.
Khẩn trương rà soát các dự án đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công sang năm 2024 theo quy định tại Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 06/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Đầu tư công được đánh giá là một trong 3 động lực tăng trưởng năm 2024 (Ảnh minh họa) |
Giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, đầu tư công đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế năm 2024, theo đó, để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.
Để thúc đẩy đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, yêu cầu đầu tiên là phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành. Vì thực tế cho thấy, trong cùng một thể chế, chính sách pháp luật, có những bộ, ngành và địa phương giải ngân tốt, đó chính là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu.
Giải pháp mang tính chất căn cơ cần thực hiện để giải nhanh vốn đầu tư công là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Trước hết là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong thời gian qua, nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Về phía các bộ, ngành, địa phương, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2024, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2024.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Quốc hội, tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp thiết thực, hiệu quả đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát địa phương mình, từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng, đến tổ chức thi công... trong vấn đề giải ngân đầu tư công của địa phương.
Năm 2023, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt 95% kế hoạch năm, cao hơn năm 2022 với 91,42%. Đây cũng là kết quả giải ngân cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tạo đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực. |