Triệt phá “vương quốc” hàng giả, hàng nhái tại Saigon Square: Sức mạnh mô hình hệ thống dọc, sức mạnh kỷ cương phép nước! Dư luận nói gì về việc truy quét hàng giả, hàng nhái tại Saigon Square |
“Sự chủ động của lực lượng Quản lý thị trường rất đáng được ghi nhận”
Từ ngày 1/11/2022, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Saigon Square có địa chỉ số 77-89 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.Hồ Chí Minh.
Liên tiếp trong 3 ngày từ ngày 1/11 đến ngày 3/11, Tổng cục Quản lý thị trường đã liên tục tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm đếm lượng lớn hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Tại hiện trường, lực lượng Quản lý thị trường đã lập biên bản các cơ sở kinh doanh buôn bán các sản phẩm sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.
Trung tâm Thương mại Saigon Square, cùng với chợ Bến Thành được mệnh danh là “thiên đường mua sắm”, với thâm niên tồn tại hơn 2 thập kỷ (ra đời từ năm 2000), nơi đây như một “thành trì” vững chắc với các chiêu trò qua mặt các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế kiểm tra. Đánh giá gì về sự quyết liệt của lực lượng quản lý thị trường ở thời điểm cuối năm, khi mà hàng nhái hàng giả diễn biến rất phức tạp, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, thông thường vào những dịp nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao như dịp Tết, các đối tượng buôn bán hàng giả hàng nhái vận chuyển hàng, tích trữ hàng và buôn bán công khai với số lượng lớn. Đặc biệt các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng nhái có nhiều chiêu trò, manh khoé và có nhiều thủ đoạn tinh vi. Đây là quy luật chung từ trước đến nay.
Lực lượng Quản lý thị trường triệt phá “vương quốc” hàng giả, hàng nhái tại Saigon Square |
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong bối cảnh tình hình chung như vậy, lực lượng Quản lý thị trường đã rất quan tâm, theo sát và có những biện pháp nghiệp vụ tốt nhằm phát hiện, triệt phá và xử lý những vụ việc nổi cộm. Đây là điều đáng ghi nhận. Đặc biệt, “khi lực lượng quản lý thị trường được phân cấp, quản lý theo ngành dọc tôi thấy lực lượng này đã hoạt động thực sự hiệu quả, có nhiều “trận đánh” lớn, vào thủ phủ của hàng giả, hàng nhái” – ông Long cho hay.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, từ trước đến nay, Bộ Công Thương nói chung và Tổng cục Quản lý thị trường nói riêng đã có rất nhiều nỗ lực đặc biệt những dịp lễ hội và dịp cuối năm. Từ vụ việc "đột kích" vào Trung tâm Saigon Square vừa rồi hay những vụ việc khác ở Tuyên Quang hay Hà Nội gần đây cũng nằm trong xu hướng này và nằm trong sự phân công của cơ quan quản lý nhà nước cũng như dư luận của xã hội. Và “sự chủ động của lực lượng Quản lý thị trường rất đáng được ghi nhận” – ông Phong đánh giá.
Hơn nữa, với việc hoạt động theo mô hình quản lý ngành dọc, ông Phong cũng cho rằng, điều này khiến cho sự tăng cường kết nối trên các hệ thống và quản lý nhà nước nhanh hơn, hiệu quả hơn. Do đó, cần tiếp tục được duy trì và phát huy mô hình quản lý này trong thời gian tới.
Công nghệ phát huy hiệu quả cao
Đáng chú ý, trong vụ việc tại Saigon Square, cả 2 chuyên gia đều đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiệp vụ nhằm phát hiện, xử lý các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu của lực lượng Quản lý thị trường.
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, “theo tôi tìm hiểu trên báo chí, khi bắt những trận lớn gần đây nhất tại Saigon Square, lực lượng Quản lý thị trường đã ứng dụng công nghệ thông tin, máy móc vào kiểm đếm, làm ngày làm đêm để rút ngắn thời gian kiểm tra, kiểm đếm. Với những trận bắt lớn như vậy, nếu lực lượng Quản lý thị trường không ứng dụng công nghệ thì sẽ mất rất nhiều thời gian xử lý”.
Về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, Quản lý thị trường nổi lên là một trong những đơn vị đi đầu trong áp dụng công nghệ giúp tăng khả năng giám sát, kiểm soát, hạn chế tiêu cực ở các cấp. Đặc biệt, việc đưa vào hoạt động của hệ thống INS đã giúp năng cao hiệu quả công việc, hạn chế tối đa sự che giấu của cấp dưới với cấp trên, minh bạch hóa hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường; đồng thời giúp rút ngắn thời gian lập biên bản xử phạt vi phạm kiểm soát của lực lượng.
Hoạt động quản lý thị trường, phòng chống hàng nhái hàng giả dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt là dịp cao điểm cuối năm, theo TS.Nguyễn Minh Phong, lực lượng Quản lý thị trường cần tiếp tục, thường xuyên củng cố, duy trì nền tảng số INS để phục vụ hiệu quả vào trong quản lý, kiểm soát, xử phạt của lực lượng. Cùng với đó, kiện toàn theo hướng số hoá về hình thức quản lý và tư duy người trong cuộc trong công cuộc phòng, chống hàng giả, hàng nhái, giả mạo, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Theo ông Ngô Trí Long, trong thời gian tới, với kinh nghiệm phong phú, phát hiện xử lý được nhiều vụ việc lớn, nổi cộm, nghiệp vụ vững vàng của lực lượng Quản lý thị trường thì cần phải phát huy hơn nữa, theo dõi diễn biến thị trường một cách chặt chẽ hơn, kiểm soát thị trường một cách triệt để, không nương tay với những đối tượng xấu, đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, "khi phát hiện ra các tụ điểm, vụ việc hay đối tượng vi phạm nào thì cần cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng để cho toàn xã hội biết những hành vi đó nhằm tăng tính răn đe" - ông Ngô Trí Long đề xuất.
Về vấn đề này, TS.Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, Tổng cục Quản lý thị trường cần phát huy tối đa hiệu quả của sự phối hợp dọc - ngang giữa lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan ban ngành khác, trải dài tới các địa phương nhằm tối đa hiệu quả đấu chan chống hàng giả, hàng nhái.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, công khai các kết quả kiểm tra là rất cần thiết, nó vừa mang tính chất tôn vinh và yếu tố răn đe, công khai kết quả kiểm tra sự phạt để làm gương. Bên cạnh đó, “qua mỗi vụ việc, lực lượng cần rút ra bài học để làm tiền đề cho những “trận đánh” khác” - TS.Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.