Ủng hộ việc kiểm tra kịp thời
Trung tâm thương mại Saigon Square (77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) ra đời từ năm 2000, được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” của giới shopping Sài Thành. Đây cũng là "điểm nóng” với các vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng.
Bắt đầu từ ngày 01/11/2022, Tổng cục Quản lý thị trường, dẫn đầu là Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia làm 6 tổ công tác bất ngờ “đột kích” kiểm tra 6 điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (quận 1. Thành phố Hồ Chí Minh), khiến tiểu thương “trở tay không kịp”. Rất nhiều sản phẩm đã “nhái” các nhãn hiện nổi tiếng như Gucci , Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes… với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Khi kiểm đếm, lực lượng Quản lý thị trường đã tạm giữ gần 2.000 sản phẩm để tiếp tục xử lý.
Đặc biệt, trong lần kiểm tra này, ngoài sự chủ trì của lực lượng quản lý thị trường đã có thêm sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Điều đó cho thấy sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường, từng bước hạn chế tiến tới xóa sổ những hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu... để bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời của lực lượng quản lý thị trường bạn đọc có nick name Thung lũng đen viết: Quản lý thị trường làm việc rất tốt.
Nhiều ý kiến đồng tình và đánh giá cao việc kiểm tra truy quét hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất |
Cùng quan điểm, bạn đọc Vinh cho biết: Ủng hộ việc tôn trọng bản quyền và hy vọng làm ổn định và có hệ thống. Tuy nhiên, điều đó chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng hàng hiệu lớn và tiểu thương kinh doanh là trung gian phân phối đến tay tiêu dùng thôi. Mong các nhãn hiệu lớn sản xuất trong nước để có một mức giá phù hợp.
Nguyễn Huyền Trang nêu ý kiến, do suy nghĩ của chúng ta là hàng fake giá rẻ là không có tội. Bao giờ hàng fake bán đắt mới là có tội. Nhưng thực chất rẻ hay đắt vẫn là có tội và không nên cổ vũ cho điều đó.
Bạn đọc có nick name Tichtra Le cho rằng, đóng cửa các trung tâm thương mại bán hàng gian hàng giả để bảo vệ sản xuất là hoàn toàn ủng hộ, cần phải kiên quyết hơn nữa đối với mọi loại gian lận thương mại.
Nhiều ý kiến đề xuất nhằm ngăn chặn hành vi buôn bán hàng giả |
Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, đồng thời cảnh báo cho người tiêu dùng biết các điểm bán hàng giả, bạn đọc Nguyễn Hoàng Long đề nghị nên quy định dán thông báo (có thời hạn) với nội dung "đơn vị bán hàng giả, hàng nhái" trước cửa hàng bị cơ quan chức năng phát hiện bán hàng giả, hàng nhái để người dân biết nhằm ngăn chặn hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái này.
Tiếp tục kiểm tra theo lộ trình các điểm nóng bán hàng giả
Saigon Square ra đời từ năm 2000, được ví như "thiên đường mua sắm" cho các tín đồ shopping ở TP. Hồ Chí Minh với đa dạng lĩnh vực và mặt hàng. Tính đến nay, SaigonSquare có 2 cơ sở đều ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Hoạt động ở đây hơn 20 năm, các hộ kinh doanh có nhiều chiêu trò đối phó. Nhưng xác định cần có giải pháp thay đổi nhận thức người kinh doanh, Quản lý thị trường đã đưa Saigon Square nằm trong diện phải kiểm tra, kiểm soát theo lộ trình. Qua đó mong muốn các hộ kinh doanh ở đây, cũng như các nơi khác tiến tới chỉ kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...
Tác dụng này đã đã được chứng minh qua một số hộ kinh doanh bị lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý và tịch thu tiêu hủy hàng hóa trong năm 2020, 2021, đến nay đã có ý thức hơn trong việc nhập các nhãn hàng có nguồn gốc và chất lượng để kinh doanh buôn bán.
Lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục kiểm tra các tụ điểm lớn, nổi tiếng trong kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh |
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, các tụ điểm lớn, nổi tiếng trong kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nằm trong lộ trình kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian tới.
Liên quan đến việc tiêu thụ hàng nhái, hàng kém chất lượng, tại phiên thảo luận Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sáng 2/11, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định), đề xuất cần xử lý cả những người cố tình mua hàng giả.
Theo vị đại biểu Quốc hội, việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán. Người bán hàng giả nếu bị phát hiện thì đã có luật để xử lý.
"Thực tế, nhiều hàng giả thương hiệu nổi tiếng được bán công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư nhưng trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua", đại biểu Lý Tiết Hạnh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hạnh, nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì nhiều khi lẫn lộn, cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả.