Thông tin được bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN HVNCLC, đại diện của ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, vừa chia sẻ với một số cơ quan báo chí tại TP. Hồ Chí Minh trước thềm đại hội thành lập hiệp hội bầu ra ban lãnh đạo chính thức vào ngày 27/10 tới tại Hà Nội.
Bộ Nội vụ vừa có quyết định cấp giấy phép thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam |
Gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển
Nghề nước mắm truyền thống đã hình thành và phát triển trong 300 năm qua tại các làng quê ven biển của Việt Nam. Thời gian qua, cạnh tranh nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp trên thị trường ngày càng khốc liệt, các làng nghề truyền thống làm nước mắm từ Bắc đến Nam đã liên tiếp trải qua nhiều lao đao căng thẳng. Không ít gia đình có truyền thống làm nước mắm cha truyền con nối nhiều lúc đã tưởng bỏ nghề…
Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, tiền thân từ Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống Việt Nam, trực thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), được thành lập từ năm 2016. Tháng 5/2017, Câu lạc bộ hình thành Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam, tập hợp 17 thành viên là các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhà khoa học, chuyên gia hiểu về nước mắm.
Đến tháng 9/2020, Ban vận động đã nhận được giấy phép số 609/QĐ-BNV thành lập từ Bộ Nội vụ. Hiện Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam có 117 hội viên đăng ký tham gia đến từ các tỉnh thành như: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang… trong đó 102 hội viên là doanh nghiệp (DN), 15 hội viên cá nhân tại 20 tỉnh, thành trên cả nước.
“Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam được thành lập để gắn kết, tương trợ lẫn nhau cùng tồn tại, phát triển giữa cộng đồng người sản xuất kinh doanh nước mắm. Đồng thời cũng thể hiện ý chí gia tăng sự hiện diện của nước mắm truyền thống Việt Nam trên bàn ăn của gia đình Việt”- bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.
Nước mắm truyền thống sẽ có tiêu chuẩn và logo riêng |
Sẽ có tiêu chuẩn và logo riêng
Theo bà Vũ Kim Hạnh, để được công nhận là hội viên Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam , các hội viên phải đảm bảo tính "truyền thống" như độ đạm tối thiếu, khung giới hạn các chất điều vị được phép sử dụng. Sau khi thành lập ưu tiên của Hiệp hội, sẽ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn để phân biệt nước mắm truyền thống với các loại nước chấm.
Những sản phẩm đáp ứng tiêu chí của bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống sẽ được sử dụng logo của hiệp hội. Về dài hạn, hiệp hội sẽ thống nhất bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống cho các hội viên. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này là tự nguyện áp dụng, nên những sản phẩm khác trên thị trường không bắt buộc phải thực hiện, họ chỉ cần tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, bà Ong Thị Kim Ngân, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh, Công ty TNHH Khai thác hải sản, Chế biến nước mắm Thanh Hà, một thành viên của Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam- cho biết thêm, để được dán nhãn logo nước mắm truyền thống các hội viên phải đạt tiêu chuẩn cơ bản như chỉ tiêu độ đạm tối thiểu là 15, không sử dụng phụ gia thuộc các nhóm: phẩm màu, hương liệu, chất tạo sánh và chất bảo quản.
Từ trước đến nay, toàn ngành nước chấm áp dụng chung một quy chuẩn (mang tính bắt buộc) với nhiều mặt hàng rất khác nhau: nước tương, nước mắm… Hiện tại, quy chuẩn riêng cho sản phẩm nước mắm vẫn đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng.
“Dán nhãn tuy không bắt buộc áp dụng như quy chuẩn, nhưng đây sẽ cơ sở để các DN trong nghành đã đáp ứng tiêu chuẩn chứng minh với người tiêu dùng về chất lượng, giá trị sản phẩm của mình” - bà Ong Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất nước mắm truyền thống hàng đầu thế giới, với công suất 170-180 triệu lít mỗi năm. Tuy nhiên, nước mắm truyền thống hiện chỉ chiếm 30% thị phần tại Việt Nam. Gần đây nhiều thành viên trong Hiệp hội đã thành công đưa nước mắm truyền thống lên Amazon và siêu thị ở nhiều quốc gia. Đặc biệt nhiều DN, xưởng sản xuất nước mắm truyền thống là thành viên của hiệp hội đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, chế biến.