Từng bước hiện thực hóa chuyển đổi số ở EVNNPT
Để thực hiện chuyển đổi số và trở thành doanh nghiệp số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào năm 2025, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện, cụ thể trong 3 lĩnh vực chính là quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp và công tác thí nghiệm. Nhờ đó, EVNNPT thay đổi tổng thể và toàn diện về cách làm việc, phương thức tổ chức sản xuất cho gần 5.000 người lao động trực tiếp trong 3 lĩnh vực nêu trên.
Cán bộ NPTS thực hiện thí nghiệm định kỳ tại TBA 500kV Quảng Ninh thông qua phần mềm Hệ thống quản lý thí nghiệm do NPTS nghiên cứu. Ảnh: Thu Hường |
Đặc biệt, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV), phân tích hình ảnh do UAV thu thập được bằng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp thay đổi toàn diện công tác quản lý vận hành đường dây.
Bên cạnh đó, EVNNPT ứng dụng camera xử lý hình ảnh bằng AI lắp đặt trên đỉnh cột đường dây tại một số vị trí đặc biệt; trang bị hệ thống định vị sự cố cho các đường dây 500 - 220 kV quan trọng, nhân viên vận hành xác định nhanh được điểm sự cố với sai số trong khoảng 200m và quản lý lưới điện truyền tải thông qua hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Đồng thời, EVNNPT chuyển các trạm biến áp 220kV sang vận hành không người trực, lắp đặt nhiều thiết bị giám sát trực tuyến như khí phân hủy trong dầu máy biến áp (DGA)… mang lại hiệu quả tích cực trong việc tăng năng suất, tăng hiệu quả, giảm chi phí truyền tải điện.
Hiện nay, EVNNPT đang vận hành 160 trạm biến áp 500 - 220kV điều khiển tích hợp bằng máy tính (đạt tỷ lệ 86%) trong đó có 1 trạm biến áp 220kV tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) là trạm biến áp số 220kV đầu tiên của Việt Nam.
Cùng với đó, EVNNPT đã chuyển 118 trạm biến áp 220kV sang thao tác xa từ các trung tâm điều độ hệ thống điện miền đạt tỉ lệ 79%. Bên cạnh đó, 100% dữ liệu thiết bị trên lưới truyền tải điện đã được số hóa trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, 100% dữ liệu công tơ đã được kết nối vào hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm MDMS… cũng như đang xây dựng các trung tâm giám sát vận hành trạm biến áp không người trực tại 4 công ty truyền tải điện, dự kiến hoàn thành trong quý 3/2023.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số EVNNPT cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức đó là nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, nhiều phần mềm quản lý kỹ thuật, phần mềm quản lý đầu tư, phần mềm quản trị doanh nghiệp, các quy trình nghiệp vụ hiện có, khả năng đảm bảo an toàn an ninh thông tin… chưa theo kịp yêu cầu về chuyển đổi số.
Là một tổng công ty trực thuộc EVN, các tổng công ty khác đều có một công ty công nghệ thông tin với nguồn nhân lực “rất mạnh”. Riêng EVNNPT hiện mới chỉ có Ban Viễn thông - Công nghệ thông tin được giao nhiệm vụ từ tham mưu đến công tác triển khai, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin trong toàn EVNNPT.
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng một lực lượng chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) “đủ mạnh” đảm đương được yêu cầu chuyển đổi số của ngành, EVNNPT đã giao phần việc về CNTT từ Ban Viễn thông - CNTT xuống Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS).
NPTS giữ vai trò "hạt nhân" về nguồn nhân lực cho chuyển đổi số
Công nghệ thông tin được xác định là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, nhằm cung cấp các công nghệ cơ bản, góp phần thay đổi toàn diện cả về tổ chức, quy trình kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đến sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện.
Việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng CNTT - nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng, là động lực cơ bản đảm bảo triển khai có hiệu quả các công nghệ và dịch vụ của kinh tế số, từ đó thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của Tổng công ty cũng như Tập đoàn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc NPTS - cho biết: Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ là phương tiện, còn con người là yếu tố quyết định sự thành công. Nhận thức rõ điều đó, ngoài hoàn thiện hạ tầng, công nghệ, EVNNPT nói chung và NPTS nói riêng đặc biệt quan tâm đến nguồn “nhân lực số”.
Ứng dụng thiết bị bay UAV tại PTC1. Ảnh: Mạnh Hùng |
Chính vì lẽ đó, chỉ sau hơn 6 năm thành lập đến nay, NPTS là đơn vị duy nhất trong EVNNPT được Tổng công ty cho phép thành lập Phòng Khoa học công nghệ và Tự động hóa, và cũng trong thời gian này nguồn nhân lực khoa học công nghệ của NPTS đã hoàn thành 5 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học và đã được EVNNPT triển khai rộng khắp trong toàn Tổng công ty, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành lưới truyền tải, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của EVNNPT. Và hơn cả các đề tài sau khi ứng dụng triển khai đã mang lại lợi ích kinh tế vô cùng to lớn cho EVNNPT và EVN.
Trọng tâm thời gian qua là triển khai nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ trong quản lý vận hành trạm biến áp tập trung vào hệ thống điều khiển máy tính (ĐKMT) trong trạm biến áp. Đến nay NPTS đã làm chủ được hầu hết các hệ thống ĐKMT đang sử dụng trong các trạm biến áp của EVNNPT. Để đạt được thành quả đó là nhờ nguồn nhân lực luôn được quan tâm, bổ sung kịp thời cũng như công tác đào tạo nội bộ để nâng cao năng lực của cán bộ. Nhờ các chính sách thu hút nhân tài hợp lý cũng như môi trường làm việc thử thách, NPTS đã thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao đã có kinh nghiệm làm việc tại các hãng lớn làm về hệ thống điều khiển máy tính.
Phòng Khoa học công nghệ và Tự động hóa được giao thêm mảng việc về CNTT từ năm 2022. Để thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu trong mảng CNTT là thách thức không nhỏ với NPTS khi hiện tại doanh nghiệp chỉ có 8 nhân sự chính thức về CNTT (Trong đó có 2 cán bộ là thuộc biên chế của NPTS, 2 cán bộ là biệt phái từ ban VTCNTT và 4 cán bộ thuê ngoài) đang thực hiện một khối lượng lớn công việc trong công tác quản lý vận hành hệ thống CNTT dùng chung toàn EVNNPT, các công tác triển khai dự án mới, các đề án cũng như công tác an toàn thông tin.
Nhằm xây dựng được đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin, an toàn thông tin chuyên nghiệp, ổn định lâu dài, đảm bảo tốt các công tác quản lý vận hành hệ thống thông tin dùng chung của EVNNPT, quản trị phần mềm, xây dựng được lực lượng chuyên gia về an toàn thông tin để đáp ứng nhu cầu của EVNNPT và tiến tới có thể cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng, đảm bảo có khả năng cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, việc bổ sung nguồn nhân lực công nghệ thông tin là yêu cầu cấp bách đặt ra cho NPTS.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Dũng cho hay, chúng tôi đã đề xuất EVNNPT xem xét bổ sung nhân sự về công nghệ thông tin cho công ty trong giai đoạn từ nay đến 2025 nhằm đảm bảo nguồn nhân lực trong công tác quản lý vận hành hệ thống CNTT dùng chung và có thể thực hiện cung cấp dịch vụ cho các đơn vị khác trong EVNNPT.