Đẩy nhanh công tác chuyển đổi số
Là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), chỉ sau 6 năm đi vào hoạt động, NPTS đã tạo dựng cho mình một vị thế, uy tín trong ngành điện. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, phần mềm điều khiển hệ thống đã được cấp bản quyền sáng chế, thử nghiệm và đưa vào ứng dụng trong quản lý, đầu tư, sửa chữa, vận hành lưới điện quốc gia, góp phần đẩy nhanh công tác chuyển đổi số ở EVNNPT nói riêng và của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói chung. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, làm chủ công nghệ trong quản lý, vận hành lưới truyền tải quốc gia.
Ứng dụng hệ thống quản lý thí nghiệm tại Trạm biến áp 500kV Quảng Ninh |
Một trong những đề tài nghiên cứu đã mang lại thành công cho ngành điện của NPTS phải kể đến đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý thí nghiệm”. Đề tài được các kỹ sư của NPTS thực hiện trong vòng 14 tháng và đã nghiệm thu, đưa vào ứng dụng trong tất cả các đơn vị của EVNNPT.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc NPTS - cho biết: Đề tài được triển khai nhằm mục đích số hóa toàn bộ công tác thí nghiệm thiết bị điện, tiến đến chuyển đổi số theo mục tiêu chung của EVNNPT. Qua đó, tăng cường nâng cao công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất của NPTS nói riêng và của các công ty truyền tải điện cũng như của EVNNPT nói chung. “Trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ thí nghiệm thiết bị điện của EVNNPT, hiện chưa có công cụ, ứng dụng phần mềm nào để quản lý các hoạt động về công tác thí nghiệm thiết bị điện” - ông Dũng chia sẻ.
Theo đó, đề tài đã được xây dựng trên nền tảng website, liên kết được với cơ sở dữ liệu của phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS), quản lý nhân sự (HRMS) cũng như với các ứng dụng phần mềm trong EVNNPT. Điểm mới và sáng tạo của đề tài đó là, hệ thống phần mềm có khả năng quản lý toàn bộ công tác thí nghiệm thiết bị, danh mục thí nghiệm các thiết bị trên lưới truyền tải điện; số hóa số liệu thí nghiệm thiết bị trên lưới truyền tải điện.
Đặc biệt, phần mềm tự tính toán, đánh giá chất lượng thiết bị qua việc theo dõi xu hướng (tăng, giảm) số liệu của các lần thí nghiệm, đánh giá chất lượng thiết bị qua các tiêu chuẩn như: tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn IEC, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành… cũng như thông báo thiết bị quá hạn thí nghiệm định kỳ, tổng hợp lập kế hoạch triển khai, lập kế hoạch đăng ký cắt điện công tác thí nghiệm định kỳ thiết bị trên lưới...
Nâng cao năng suất lao động
Hệ thống quản lý thí nghiệm do NPTS nghiên cứu có những ưu điểm nổi bật như: Hệ thống tự động lập, quản lý, theo dõi danh mục thiết bị thí nghiệm hàng năm; lọc và tổng hợp dữ liệu về công tác thí nghiệm theo yêu cầu của người dùng. Cùng với đó, hệ thống cũng giúp tự động đưa ra cảnh báo về kết quả số liệu thí nghiệm theo các tiêu chuẩn, quy định. Tự động theo dõi xu hướng biến đổi số liệu thí nghiệm của thiết bị qua các lần thí nghiệm cũng như cho phép ký số được cả bằng hệ thống chữ ký số nội bộ của EVN…
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, tổng số khối lượng thí nghiệm định kỳ và thí nghiệm trong các công trình sửa chữa, lắp đặt thiết bị điện hàng năm trên lưới điện của EVNNPT là rất lớn và tăng lên đáng kể qua các năm. Cụ thể đối với thí nghiệm định kỳ năm 2018 khoảng 13 nghìn danh mục thiết bị; năm 2019 khoảng 14,8 nghìn danh mục thiết bị, năm 2020: 18,6 nghìn danh mục thiết bị, năm 2021 là 18,7 nghìn danh mục thiết bị và năm 2022 là 20,3 nghìn danh mục thiết bị. Ngoài ra, hàng năm có hàng nghìn thiết bị của các công trình: đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trạm biến áp; sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên…
Nhằm mục đính số hóa và ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác thí nghiệm, nhiệm vụ này đã được NPTS thực hiện hoàn thành trong năm 2022 và được triển khai đưa vào sử dụng chính thức cho các trung tâm dịch vụ kỹ thuật của NPTS và các công ty truyền tải điện trong công tác quản lý thí nghiệm.
Công tác nghiên cứu và ứng dụng thành công của đề tài đã cụ thể hóa chủ trương và nhiệm vụ về chuyển đổi số mà EVN giao cho EVNNPT. Nhờ đó, EVNNPT đã số hóa được toàn bộ công tác thí nghiệm của các trạm biến áp từ khâu lập kế hoạch cho đến khâu triển khai thực hiện, nhập số liệu thí nghiệm, ký số và phát hành các biên bản thiết nghiệm, biên bản kiểm định an toàn kỹ thuật điện theo đúng yêu cầu của Thông tư số 33/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện. Qua đó, giúp cho EVNNPT nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí trong hoạt động quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng lưới truyền tải điện quốc gia.
Bên cạnh đó, phần mềm hệ thống quản lý thí nghiệm được đưa vào sử dụng đã làm thay đổi cơ bản việc quản lý triển khai thực hiện công tác thí nghiệm các thiết bị điện trên lưới điện từ thủ công sang quản lý triển khai thực hiện công tác thí nghiệm tập trung và thống nhất giữa các đơn vị trong EVNNPT trên phần mềm hệ thống quản lý thí nghiệm đã giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực trong quản lý công tác thí nghiệm.
Có thể khẳng định, việc thực hiện nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý thí nghiệm đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất của NPTS, các công ty truyền tải điện cũng như EVNNPT. |