Vì sao một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ đi Nhật Bản bị dừng đơn hàng? Xuất khẩu chuối và rau quả tươi vào Nhật Bản, doanh nghiệp cần lưu ý gì? |
Sau 4 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, Việt Nam có gần 100 doanh nghiệp tham gia trở lại Foodex Japan 2023 - triển lãm chuyên ngành thực phẩm và đồ uống quy mô lớn nhất tại Nhật Bản diễn ra ngày 7/3. Con số này đông gấp nhiều lần so với những năm trước.
Nhiều sản phẩm rau quả đông lạnh của Việt Nam được giới thiệu tại Foodex Japan 2023 thu hút sự quan tâm của đối tác Nhật Bản |
Nhiều sản phẩm rau quả chế biến đông lạnh, giò chả, nước tương, tương ớt... được doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tại sự kiện này. Đáng chú ý, đã có đối tác nhập khẩu để phân phối đến người tiêu dùng Nhật Bản.
Đặc biệt, nhóm sản phẩm thực phẩm, rau quả chế biến của Việt Nam đã có sự đổi mới, phát triển vượt bậc về chất lượng, công nghệ chế biến cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và sẵn sàng chinh phục thị trường cao cấp bậc nhất này.
Trong đó, nhóm rau quả có nhiều loại rau quả đông lạnh như: ngô bao tử, đậu tương tách vỏ, các loại hạt đậu, rau chân vịt… được nhiều đối tác Nhật Bản rất quan tâm và có cơ hội tăng nhanh về sản lượng.
Nông sản, thực phẩm Việt chinh phục thị trường Nhật Bản |
Theo ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, ấn tượng nhất là bộ gia vị tương ớt Chin-su wasabi, nước tương lên men bằng công nghệ Nhật Bản, hạt nêm chiết xuất từ nấm, tảo biển lần đầu tham gia sự kiện. Đây là những gia vị được sử dụng rất nhiều trong món ăn và rất hợp khẩu vị người Nhật Bản, bắt đầu phân phối trên toàn thị trường Nhật Bản từ ngày 10/3.
Trong nhóm thực phẩm chế biến, nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam như giò, chả, phở ăn liền... cũng được giới thiệu tại Foodex Japan 2023. Đây là những sản phẩm được doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất ngay tại Nhật Bản và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của nước này để đưa vào siêu thị, chuỗi bán lẻ.
Theo ông Tạ Đức Minh, với những bước tiến dài về thiết kế, bao bì, mẫu mã để chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao để sản xuất sản phẩm chế biến đã mời chuyên gia Nhật Bản làm cố vấn để từng bước chinh phục, đưa hàng Việt thâm nhập vào hệ thống phân phối, bán lẻ hướng đến khách hàng người Nhật Bản.
Nhật Bản là thị trường có các tiêu chuẩn cao so với nhiều thị trường khác. Doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam nếu lách được qua khe cửa hẹp này sẽ có cơ hội rất lớn để đến với nhiều thị trường khác.
Theo các doanh nghiệp Việt Nam, việc tham gia Hội chợ Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống Foodex Japan là cơ hội để họ giao lưu, quảng bá và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản, thực phẩm sang thị trường Đông Bắc Á đầy tiềm năng.
Bà Nguyễn Thị Trà My - Giám đốc điều hành (CEO) của PAN Group - chia sẻ: Các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã là thị trường truyền thống của PAN Group. Tuy nhiên, chúng tôi coi việc tham gia các hội chợ lớn như Foodex Japan là cơ hội để mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm và là cơ hội tốt để tái định vị nông sản, thực phẩm Việt Nam trên trường quốc tế.
“Trước đây, thế giới biết đến Việt Nam như một quốc gia có sản lượng nông nghiệp lớn, nhưng không được đánh giá cao về chất lượng. Chúng tôi muốn chứng minh rằng, hiện nay nông sản, thực phẩm được chế biến sâu và nhiều thương hiệu của Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin về chất lượng có thể sánh ngang với sản phẩm của bất kỳ nước nào trên thị trường thế giới”, bà Nguyễn Thị Trà My nói.