Bộ Công Thương: Đưa nông sản Hòa Bình vào hệ thống phân phối Longform | Nông sản Hòa Bình chinh phục thị trường thế giới |
Hành tăm muối, mật ong “lên đường” sang Anh
Chuyến hành tăm muối Yên Thủy và mật ong rừng Kim Bôi đầu tiên của tỉnh Hoà Bình đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình phối hợp với Công ty Cổ phần R.Y.B (Hà Nội) xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh vào ngày 12/10.
Để chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu lần này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với UBND huyện Yên Thủy, Kim Bôi hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất chuẩn hóa vùng nguyên liệu, nâng cao kỹ thuật sơ chế, đóng gói nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Xuất khẩu 2 sản phẩm của Hoà Bình sang thị trường Anh (Ảnh: Báo Dân Việt) |
HTX Green Life (Kim Bôi, Hòa Bình) là đơn vị sản xuất mật ong được lựa chọn để xuất khẩu sang Anh đợt này. Để có lô hàng đảm bảo chất lượng xuất khẩu sang Anh, HTX Green Life đã xây dựng định hướng sản xuất cụ thể từ khoảng năm 2017. Các thành viên đã bắt tay chuẩn hóa từ khâu kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch và đóng gói. Trong quy trình sản xuất chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và chế biến theo tiêu chuẩn ISO22000.
Theo HTX Green Life, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Anh, mật ong thu hoạch khi được đưa về kho sản xuất sẽ được hạ thủy phần xuống khoảng 17% trong nhiệt độ nhỏ hơn 35 độ C để đảm bảo mật ong có đủ độ đặc và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu Anh.
Lô hàng thử nghiệm đầu tiên với số lượng 20 thùng (khoảng 250 lọ mật ong nguyên chân), dù số lượng không nhiều nhưng đây là một bước tiến lớn giúp sản phẩm Hòa Bình có sự hiện diện tại một trong những thị trường khó tính nhất.
Đối với hành tăm muối, tại HTX nông nghiệp Phú Lai, xã Phú Lai (Yên Thủy), quá trình sản xuất hành tăm muối được thực hiện đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất bảo quản. Từng củ hành được chọn lọn kỹ càng, sơ chế, làm sạch, lên men và đóng lọ thành phẩm trước khi đưa ra thị trường. Để giữ hành được lâu, tròn vẹn hương vị đặc trưng và các tinh chất dược liệu quý bên trong, khi ăn vẫn giữ được độ giòn, HTX sử dụng lọ thủy tinh để bảo quản sản phẩm.
Công ty Cổ phần R.Y.B chịu trách nhiệm đóng hàng xuất khẩu theo quy cách bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường nhập khẩu. Bà Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc Công ty cho biết, qua thăm dò, khảo sát, kiểm nghiệm doanh nghiệp đã đánh giá rất cao chất lượng các sản phẩm của Hòa Bình, trong đó, sản phẩm mật ong rừng Kim Bôi sẽ là một sản phẩm có tính cạnh tranh cao tại thị trường Anh nhờ độ sánh đặc, hương vị đặc biệt của hoa rừng.
Bà Hương chia sẻ, đây là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, nếu nắm bắt được cơ hội và đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu trên, bức tranh về việc mở rộng thị trường sẽ rất tươi sáng.
Nông sản Hoà Bình còn nhiều tiềm năng xuất khẩu
Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu nông sản của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoà Bình cho biết, trong 3 năm gần đây, Hòa Bình rất quan tâm đến những hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là những mặt hàng chủ lực, thông qua đó quảng bá sản phẩm nông sản và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước.
Để đẩy mạnh lợi thế của địa phương, đa dạng các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, tỉnh Hòa Bình kiên trì với mục tiêu phổ biến các tiêu chuẩn, kỹ thuật quốc tế, trong đó đề ra các giải pháp như áp dụng đồng bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất, chuẩn hóa vùng trồng, vùng nuôi, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX có tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông sản…
Đến 9 tháng đầu năm, qua thống kê, toàn tỉnh có 17 cơ sở xuất khẩu nông lâm sản. Tổng sản lượng xuất khẩu là 891.679 tấn, đạt giá trị trên 228,34 tỷ đồng.
Hòa Bình là vựa sản xuất cây có múi của miền Bắc. Do được thiên nhiên ưu đãi nên sản phẩm cây có múi trồng ở các huyện như Cao Phong, Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy đều cho hương vị rất ngon. Sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên đất Hòa Bình cũng được người tiêu dùng đón nhận. Mấy năm gần đây, nhiều nông sản Hòa Bình như nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi), bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn (Yên Thủy), mía tím… đã đáp ứng tiêu chuẩn và được xuất khẩu đến nhiều thị trường. Đây là những bước đi đầu tiên mở cửa cho nhiều nông sản khác của đất Mường như cam, bưởi... lên đường xuất ngoại.
Cụ thể, trong năm 2022, Hợp tác xã Đại Đồng, xã Ngọc Lương, Ủy ban nhân dân huyện Yên Thủy (Hòa Bình) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình, Công ty Cổ phần Nông nghiệp RYB tổ chức buổi lễ xuất khẩu chuyến bưởi Diễn đầu tiên sang thị trường Vương quốc Anh. Số lượng bưởi xuất khẩu đạt khoảng gần 11 tấn. Đồng thời, sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc cũng đã được xuất sang Anh trong năm 2022.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương cho biết, sau khi lô hàng được xuất khẩu thành công sang thị trường Anh, địa phương đã nhận được phản hồi từ phía đơn vị thu mua rằng sản phẩm bưởi Diễn của Hòa Bình hoàn toàn có khả năng cạnh tranh được với sản phẩm của hàng hóa các nước khác, chất lượng được đánh giá cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình thông tin, việc đẩy mạnh phát nhiều loại hình sản phẩm nông sản chất lượng cao của tỉnh không chỉ góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản hiệu quả mà còn tạo ra sự đa dạng trong danh sách các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Từ đó, giúp sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước, từng bước tìm kiếm thị trường xuất khẩu và nâng cao thu nhập kinh tế cho người dân.
Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, khu sơ chế, đóng gói và bảo quản nông sản; tăng cường tổ chức việc nghiên cứu, dự báo thị trường nước ngoài và thông tin kịp thời đến người sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ và tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã được tham gia các chương trình xúc tiến trong và ngoài nước. Đồng thời, nỗ lực thực hiện các giải pháp để các sản phẩm nông sản của tỉnh tiếp tục “cất cánh” nhiều hơn ra thị trường thế giới.