Longform
07/08/2023 17:36
Longform | Nông sản Hòa Bình chinh phục thị trường thế giới

07/08/2023 17:36

Những năm gần đây, Hoà Bình nổi lên là một trong những địa phương điểm sáng tiêu thụ sản khi nông sản Hoà Bình đã xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính.
Longform | Nông sản Hòa Bình chinh phục thị trường thế giới

Những năm gần đây, Hoà Bình nổi lên là một trong những địa phương điểm sáng trong tiêu thụ nông sản, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh đã xuất khẩu được đến các thị trường khó tính.

Chinh phục thị trường khó tính

Cuối tháng 7 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, phối hợp UBND các huyện Lạc Sơn, Cao Phong và Công ty Cổ phần R.Y.B, tổ chức lễ xuất hàng 2 sản phẩm OCOP tinh bột nghệ và trà chanh đào mật ong, lần đầu xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc

2 sản phẩm OCOP tinh bột nghệ của Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần (huyện Lạc Sơn) và trà chanh đào mật ong của Hợp tác xã Hà Phong (huyện Cao Phong) lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc với tổng số lượng tương ứng là 60 thùng và 1.080 lọ.

Các sản phẩm được đóng thùng theo quy cách bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và được vận chuyển sang thị trường Anh bởi Công ty Cổ phần R.Y.B.

Longform | Nông sản Hòa Bình chinh phục thị trường thế giới

Không chỉ 2 sản phẩm này mà rất nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh khác của Hoà Bình cũng được xuất khẩu thành công ra nước ngoài thời gian qua. Trong năm 2022, 3 sản phẩm thế mạnh của Hòa Bình là bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy và cam Cao Phong đã lần đầu tiên có mặt tại thị trường Anh qua đường xuất khẩu chính ngạch.

Đặc biệt, đây là sự kiện đáng nhớ với quả cam Cam Phong bởi đã đánh dấu sự trở lại của loại trái cây đặc sản miền Bắc trên thị trường thế giới sau hơn 40 năm. Với lô hàng cam Cao Phong gần 7 tấn lần đầu tiên được xuất khẩu sang Vương quốc Anh, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sau hơn 40 năm (từ năm 1980), cam Cao Phong lại vươn ra thị trường thế giới.

Để vào thị trường Anh, sản phẩm cam Cao Phong của Công ty cổ phần RYB (Hòa Bình) đã đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ, trong đó có yêu cầu phân tích, xét nghiệm bắt buộc gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đó, Tập đoàn Longdan đã nhập khẩu gần 7 tấn cam Cao Phong, số cam này được bày bán tại chuỗi siêu thị Longdan tại London và một số thành phố khác ở Anh, đồng thời được phân phối tới các nhà bán buôn và bán lẻ các sản phẩm Việt Nam và châu Á tại Anh, bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại.

Theo UBND huyện Cao Phong cho biết: Sau 8 năm được cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, hiện sản phẩm cam Cao Phong đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng, có vị thế tại thị trường trong nước. Quan trọng hơn, sau thời gian hợp tác hiệu quả giữa Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh với các cơ quan chuyên môn của huyện cũng như các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, sản phẩm cam Cao Phong đã có cơ hội vươn ra thị trường thế giới.

Trong các mẫu phân tích cam được tiến hành trước khi xuất khẩu cho thấy, tất cả đều không phát hiện hoạt chất nào trong gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu. Những kiện hàng mẫu gửi sang Vương quốc Anh cũng được thông quan không gặp bất cứ vấn đề gì về an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh, cho biết, lần đầu tiên bưởi Diễn và cam Cao Phong xuất khẩu sang thị trường Anh thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt Nam, đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất Global GAP.

Longform | Nông sản Hòa Bình chinh phục thị trường thế giới

"Nhu cầu của thị trường Anh đối với cam và bưởi, đặc biệt là cam, là rất lớn, mỗi năm nhập khẩu khoảng 420 tấn cam, trị giá 263 triệu bảng (khoảng 315 triệu USD), phần lớn từ Tây Ban Nha, Nam Phi, Maroc và Ai Cập. Đây là cơ hội rất lớn cho sản phẩm cam và bưởi của Hoà Bình” - ông Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh.

Hoặc với mặt hàng mía tươi, trong tháng 3 và tháng 6/2023, hai lô mía tươi gần 50 tấn đã được Hòa Bình xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Cây mía là loại cây có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, bên cạnh đó cây mía còn là loại cây công nghiệp rất phù hợp điều kiện khí và hậu thổ nhưỡng của tỉnh Hòa Bình, có thể phát triển mở rộng kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Lê Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - đơn vị xuất khẩu mía tươi Hòa Bình ra thị trường thế giới cho biết, thời gian qua với sự quan tâm ủng hộ, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất thu mua mía ăn tươi phục vụ xuất khẩu, từ đó công ty đã tạo dựng được thương hiệu, cũng như đầu tư về hạ tầng kho bãi thu mua mía, sơ chế, đóng gói mía, nâng cao chất lượng mía xuất khẩu... Dự kiến trong năm 2023, công ty sẽ xuất khẩu khoảng từ 300 đến 500 tấn mía sang thị trường thế giới.

Trước đó, năm 2021, mía Hoà Bình đã xuất khẩu thành công sang thị trường Đức. Đây là tín hiệu rất vui cho sản phẩm mía tươi Hòa Bình vì Hoa Kỳ hay Đức đều là những thị trường rất khó tính.

"Quả ngọt" từ sự chung tay

Để xuất khẩu thành công nông sản ra nước ngoài, thời gian qua, các ngành chức năng địa phương đã triển khai rất nhiều giải pháp. Cụ thể, với công tác hội nhập kinh tế quốc tế, Sở Công Thương Hòa Bình tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 17/3/2023 Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030. Xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đó, tổ chức xin ý kiến tham gia góp ý và tổng hợp ý kiến, hiệu chỉnh hoàn thiện dự thảo Đề án, tham mưu UBND tỉnh bàn hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Song song với đó, triển khai phổ biến kiến thức Hiệp định thương mại tự do cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức Hội thảo về nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Longform | Nông sản Hòa Bình chinh phục thị trường thế giới

Sở Công Thương Hòa Bình còn không ngừng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản, xây dựng kế hoạch, chủ động kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, diễn đàn, hội chợ như: Chương trình xúc tiến thương mại tại Cộng hòa Pháp và Hà Lan; Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU; Hội chợ quốc tế Việt – Trung tại tỉnh Lạng Sơn nhằm quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư ra thị trường nước ngoài…

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm nông sản chủ lực đặc trưng đạt các tiêu chí chất lượng của các địa phương trong tỉnh, từng bước đưa nông sản địa phương vươn tầm xuất khẩu ra thị trường quốc tế như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức…

Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 của Hòa Bình ước đạt 140,647 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng ước đạt 771,470 triệu USD tăng 11,79% so với cùng kỳ tăng đạt 45,51% kế hoạch năm. Trong đó, nông sản là một trong những mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng ổn định.

Longform | Nông sản Hòa Bình chinh phục thị trường thế giới

Một số sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được xuất khẩu thành công sang châu Âu đem lại lợi nhuận cao như: mía tươi Tân Lạc, măng tươi Kim Bôi, cam Cao Phong, nhãn Sơn Thủy, chè sông Bôi… là những sản phẩm đã và đang mở ra tiềm năng, lợi thế lớn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Hòa Bình.

Việc xuất khẩu thành công các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Hòa Bình sang các thị trường khó tính như: châu Âu, Hoa Kỳ… không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản chất lượng cao hiệu quả, mà còn mở ra một giai đoạn phát triển mới, tạo niềm tin về tiềm năng lợi thế. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nông sản tỉnh Hòa Bình đối với thị trường trong nước; từng bước đặt mục tiêu xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, tăng thu nhập cho người dân.

Hướng tới xuất khẩu bền vững

Ngoài sản phẩm cam Cao Phong thì các sản phẩm nông sản tiêu biểu khác của tỉnh Hòa Bình đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng, có vị thế tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, để hướng đến xuất khẩu được các sản phẩm nông sản đặc trưng chất lượng cao của Hòa Bình sang các thị trường “khó tính” như châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc thì đòi hỏi phía các đơn vị sản xuất của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí chất lượng về vi sinh vật, côn trùng, đất, dư lượng nitrat, thuốc bảo vệ thực vật thông qua các thông số niêm yết trên sản phẩm theo quy định của thị trường nhập khẩu.

Do đó thời gian tới, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã đặt mục tiêu tập trung vào sản xuất các mặt hàng nông sản chất lượng cao đảm bảo an toàn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa đặc trưng; hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ); đẩy mạnh cấp, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và cấp chứng chỉ FSC; kết nối giữa doanh nghiệp sơ chế, chế biến với các vùng sản xuất tập trung; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cũng tăng cường ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực đạt khoảng 137,8 triệu USD; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực, lợi thế chiếm khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Thị trường xuất khẩu hàng hóa mà tỉnh định hướng là các nước: Mỹ, EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Longform | Nông sản Hòa Bình chinh phục thị trường thế giới

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, nông sản nói chung và nông sản của bà con vùng miền núi nói riêng luôn là sản phẩm ưu tiên của Bộ Công Thương trong công tác phát triển thị trường và xúc tiến thương mại.

Thời gian qua, có thể thấy rằng công tác xuất khẩu nông sản đã có những dấu hiệu đáng ghi nhận khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục, trên 53,22 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp của các sản phẩm miền núi như nhãn, xoài, vải, cam, bưởi…

“Trong bức tranh đó, Bộ Công Thương đã đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ người nông dân những thông tin liên quan đến thị trường, đặc biệt là các thị trường gần nhất hoặc có truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Bên cạnh đó, phát huy và chỉ đạo hệ thống thương vụ tham gia vào việc hỗ trợ mở rộng thị trường để giúp doanh nghiệp, thương nhân, hợp tác xã khu vực miền núi tiêu thụ sản phẩm” - ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Longform | Nông sản Hòa Bình chinh phục thị trường thế giới

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, phải khẳng định, vai trò của địa phương, Hiệp hội và HTX là rất quan trọng trong giúp người nông dân phát triển sản xuất bài bản, chất lượng và đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Do đó, chính quyền địa phương cần chủ động, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo, từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Đồng thời, chủ động trong việc tìm hiểu, tiếp cận, từ đó mới tận dụng được tốt nhất sự hỗ trợ của các Bộ ngành.

Bên cạnh đó là vai trò của hiệp hội trong việc tập hợp các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành hàng; chia sẻ kinh nghiệm, cùng quảng bá và xúc tiến thương mại.

Cuối cùng, người sản xuất, người nông dân dù có điều kiện tiếp cận thông tin khó hơn nhưng hiện nay có rất nhiều kênh để tiếp cận. Cho nên các địa phương, hiệp hội, ngành hàng phải có giải pháp để hỗ trợ người nông dân tiếp cận thông tin nhanh nhất, nhiều nhất. Từ đó đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh ra thị trường thế giới.

Phương Lan - Linh Chi

Bộ Công Thương: Đưa nông sản Hòa Bình vào hệ thống phân phối Thêm 2 sản phẩm OCOP Hoà Bình xuất khẩu sang thị trường Anh

Phương Lan - Linh Chi

Có thể bạn quan tâm

Hòa Bình gia tăng giá trị nông sản qua sàn thương mại điện tử

Hòa Bình gia tăng giá trị nông sản qua sàn thương mại điện tử

Nắm bắt xu hướng mới, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Hòa Bình tích cực hỗ trợ bà con vùng dân tộc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.