Tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Algeria - Senegal Mời tham gia miễn phí các triển lãm quốc tế trực tuyến tại Algeria năm 2021 |
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951- 14/5/2021), phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Đức Nhuận – Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria (kiêm nhiệm Mali, Senegal, Niger, Gambia, Tunisia) về những đóng góp của Thương vụ trong quá trình đồng hành, phát triển cùng ngành Công Thương.
Ông Hoàng Đức Nhuận - Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria (kiêm nhiệm Mali, Senegal, Niger, Gambia, Tunisia) |
Xin ông chia sẻ những thành tựu đã đạt được của Thương vụ trong chặng đường 70 năm đồng hành cùng ngành Công Thương?
Thương vụ Việt Nam tại Algeria được thành lập từ tháng 11/1977. Mặc dù biên chế qua các thời kỳ chỉ có 01 người và phải kiêm nhiệm thêm 5 thị trường châu Phi khác là Gambia, Mali, Niger, Senegal và Tunisia song Thương vụ luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Đối với thị trường Algeria, nếu như trong những năm 60, trao đổi thương mại giữa hai nước gần như chưa có gì ngoài một số sản phẩm của Việt Nam là những quyển sổ, bút máy, bút chì và vải do trẻ em Việt Nam tặng trẻ em Algeria thì ngày nay nhiều mặt hàng của nước ta đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường này như cà phê, tiêu, gạo, thủy sản, giày dép, hàng dệt may, sắt thép…
Quan hệ thương mại Việt Nam - Algeria bắt đầu xuất hiện rõ nét từ năm 1975. Ngay sau khi miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, Chính phủ Algeria đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 100.000 tấn dầu thô và cho Việt Nam vay 1 triệu tấn dầu thô. Giai đoạn từ năm 1976 - 1988, kim ngạch trao đổi hai chiều giữa hai nước không đáng kể, chỉ khoảng 50.000 USD/năm.
Trong thời kỳ 1989 - 2000, Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Algeria trong khuôn khổ trả nợ mỗi năm từ 5 - 15 triệu USD. Tổng trị giá hàng giao trong thời kỳ này đạt khoảng 80 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu trả nợ chủ yếu là gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, giày dép, dụng cụ cầm tay, mây tre nguyên liệu, gốm sứ, hàng thể thao…
Kể từ năm 2001, xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia Bắc Phi này đã có những bước tiến đáng kể, đạt mức cao nhất gần 300 triệu USD năm 2017 (theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam). Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Algeria chủ yếu vẫn là nông sản như cà phê, gạo, hạt tiêu và thủy sản, hàng công nghiệp điện thoại di động, giày dép, hàng dệt may, sản phẩm sắt thép...
Về nhập khẩu, Việt Nam mua của Algeria một số lượng nhỏ dược phẩm, thức ăn gia súc và nguyên liệu, giấy vụn... với tổng kim ngạch thấp từ 3-4 triệu USD/năm.
Về khuôn khổ pháp lý, hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương vào tháng 2/1994, Hiệp định Tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự (2010). Đầu tháng 4/2014, Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Cục Xúc tiến xuất khẩu Algeria cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại.
Bên cạnh trao đổi thương mại, hai nước đã mở rộng hợp tác sang lĩnh vực đầu tư. Công ty liên doanh ba bên GBRS giữa Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PetroVietnam, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTTEP) và Tổng công ty Dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach) là biểu tượng cho sự hợp tác thành công giữa Việt Nam và Algeria. 12 năm sau khi triển khai thực hiện (từ năm 2003), dự án khai thác dầu tại mỏ Bir Seba (tỉnh Ouargla, Algeria) đã cho ra thùng đầu tiên vào tháng 8/2015. Sản lượng hiện tại khoảng 18.000 thùng/ngày.
Để góp phần vào những thành tích trên, Thương vụ Việt Nam tại Algeria luôn bám sát và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của Thương vụ Việt Nam cũng như Luật Cơ quan đại diện nước Việt Nam ở nước ngoài, trong đó chú trọng công tác tham mưu chính sách và hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước. Cụ thể, luôn quan tâm đến việc phân tích tình hình thị trường, chính sách quản lý xuất nhập khẩu và chính sách kinh tế - thương mại, công nghiệp và đầu tư tác động đến Việt Nam và đề xuất giải pháp, đối sách để làm tốt công tác xúc tiến thương mại, công nghiệp, đầu tư và lĩnh vực khác; tổ chức trưng bày hàng hóa xuất nhập khẩu, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội các nhà nhập khẩu, lập hồ sơ thương nhân, nắm bắt nhu cầu để đề xuất biện pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường sở tại cũng như các thị trường kiêm nhiệm.
Song song với đó, Thương vụ thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp hai bên cũng như hỗ trợ các đoàn công tác và doanh nghiệp sang làm việc tại địa bàn; hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết tranh chấp, khiếu nại theo quy định của luật pháp quốc tế. Đặc biệt, làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cũng như các cơ quan, đơn vị khác.
Hội nghị giao thương trực tuyến về khai thác tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Algeria - Senegal 2021 diễn ra trong hai ngày 5 - 6/4/2021 |
Mặc dù, Algeria là một thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại với Algeria nói riêng và châu Phi nói chung, nhưng thương mại song phương giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn. Theo ông, đâu là những khó khăn trong việc kết nối, tìm kiếm bạn hàng tại thị trường này?
Ngược dòng lịch sử, có thể thấy trước năm 2000, trao đổi thương mại giữa hai nước không đáng kể chủ yếu nằm trong khuôn khổ Việt Nam trả nợ Algeria bằng hàng hóa với kim ngạch khá thấp. Đặc biệt, trong những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình chính trị Algeria bất ổn định, khủng bố leo thang tác động xấu đến quan hệ thương mại hai nước. Tháng 12/1994, Tham tán Thương mại Bùi Giang Tô đã bị nhóm khủng bố tại Algeria sát hại (đồng chí Bùi Giang Tô đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu liệt sỹ). Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phải đóng cửa đến năm 2004 mới mở trở lại.
Do Algeria chưa phải thành viên của WTO nên thuế hải quan cao, trung bình 50% (thuế nhập khẩu 30%, thuế VAT 19%). Algeria là quốc gia phụ thuộc vào dầu lửa, dầu khí chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu nên những năm gần đây, khi giá mặt hàng này xuống thấp, thâm hụt ngân sách tăng cao, Algeria đã ban hành các biện pháp hạn chế nhập khẩu như chế độ giấy phép, các rào cản kỹ thuật, lệnh cấm nhập khẩu với một số mặt hàng (trong đó có 13 loại trái cây), áp dụng thuế phòng vệ bổ sung, vv…
Bên cạnh đó, chính sách thương mại, đầu tư của Algeria mang tính bảo hộ hay thay đổi, thời gian thanh toán xuất nhập khẩu còn chậm, ngôn ngữ giao dịch phần lớn được các doanh nghiệp Algeria sử dụng là tiếng Pháp, rồi khác biệt về tập quán kinh doanh... cũng là những rào cản trong việc phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước.
Algeria là thị trường có quy mô trung bình tại châu Phi với dân số 44 triệu người, kim ngạch nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm, nhưng mức độ cạnh tranh rất quyết liệt giữa hàng hóa Việt Nam với các nước, đặc biệt là nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng đến từ châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia…
Trong bối cảnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ông có thể cho biết kế hoạch hoạt động của Thương vụ thời gian tới, trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa hàng vào nước sở tại?
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, do các nước trong đó có Algeria đóng cửa biên giới trên không, trên biển nên hoạt động xuất nhập khẩu song phương gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Thương vụ đã tích cực phối hợp với các cơ quan trong nước như Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức hàng chục hội nghị, hội thảo giới thiệu thị trường khu vực châu Phi -Trung Đông, thị trường Tây Phi, Bắc Phi, các nước nói tiếng Pháp tại châu Phi,... dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp, thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt doanh nghiệp các nước.
Riêng Thương vụ cũng đã chủ động đề xuất và phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria tổ chức thành công Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - Algeria vào tháng 11/2020 và Hội nghị khai thác tiềm năng thương mại, đầu tư Việt Nam - Algeria - Senegal vào tháng 4/2021.
Trong bối cảnh các hội chợ, triển lãm quốc tế truyền thống tại Algeria chưa mở lại, Thương vụ đã đến làm việc với Công ty Tổ chức sự kiện, triển lãm và thương mại Algeria để vận động dành gian hàng trực tuyến miễn phí cho doanh nghiệp Việt Nam tại 3 sự kiện là Hội chợ thương mại và tiếp thị quốc tế trực tuyến Algeria diễn ra từ ngày 13-27/9/2020, Triển lãm quốc tế trực tuyến về ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp Algeria (1 - 31/12/2020) và Triển lãm quốc tế trực tuyến về nông nghiệp và đánh bắt nuôi trồng thủy sản (1 - 31/1/2021). Tổng cộng hơn 40 lượt doanh nghiệp Việt Nam trong đó có các tập đoàn, tổng công ty lớn tham dự các sự kiện trên để trưng bày giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác.
Cũng do đại dịch Covid-19, xảy ra trường hợp hàng hóa thường đến chậm so với thời gian ghi trong hợp đồng, số lượng các vụ tranh chấp thương mại vì thế gia tăng, Thương vụ đã tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xử lý các vấn đề phát sinh với doanh nghiệp Algeria, Senegal và Mali.
Trước tình trạng doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin về thị trường, bên cạnh việc đăng tải thông tin về các địa bàn phụ trách trên các website của Bộ Công Thương và trang Facebook của Thương vụ, từ năm 2020, Thương vụ đã chủ động xây dựng và phát hành "Bản tin thị trường hàng tháng về Algeria, Gambia, Mali, Niger, Tunisia và Senegal" bằng tiếng Việt nhằm phổ biến tiềm năng xuất nhập khẩu các nước này, những chính sách thương mại, đầu tư mới, các địa chỉ hữu ích, đặc biệt là những cơ hội kinh doanh, thông tin cảnh báo.
Theo chiều ngược lại, Thương vụ cũng phát hành Bản tin kinh tế Việt Nam và những cơ hội kinh doanh bằng tiếng Pháp định kỳ hai tháng một lần để gửi cho các cơ quan doanh nghiệp thuộc các nước phụ trách. Trong quý 2/2021, Thương vụ đã chủ trì biên soạn cuốn Cẩm nang kinh doanh với thị trường Việt Nam bằng tiếng Pháp trong đó giới thiệu tình hình kinh tế, thương mại Việt Nam, quan hệ thương mại Việt Nam với Algeria, Mali và Senegal, danh sách các địa chỉ hữu ích, các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam năm 2019 để phổ biến cho các cơ quan, doanh nghiệp các thị trường phụ trách.
Trong 6 tháng cuối năm, Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan thúc đẩy việc thành lập Hội đồng kinh doanh Việt Nam - Algeria, hoàn thiện khung pháp lý về thương mại và đầu tư với các địa bàn phụ trách, tổ chức một số hội nghị, diễn đàn giao thương trực tuyến với Algeria, Tunisia, xuất bản sách giới thiệu thị trường Algeria, Senegal, tạo điều kiện cho doanh nghiệp các bên tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế online, tăng cường giới thiệu cơ hội kinh doanh, đầu tư, xác minh đối tác,...
Xin cám ơn ông!