Kon Tum: Phát triển kinh tế dược liệu, cầu nối mang đến no ấm Phú Thọ: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi |
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các các huyện chủ động rà soát, đánh giá thế mạnh từng khu vực, lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ, kết hợp bố trí những cây, con phù hợp để đầu tư phát triển. Đặc biệt, tập trung nguồn lực và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước… đã tập trung xây dựng các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội với nhiều mô hình nổi bật như: Mô hình trồng bắp lai, mì cao sản, măng tây, các loại cây ăn quả…
Mô hình trồng bắp tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước (Ảnh: Cơ Nguyên) |
Trong đó, một số mô hình liên kết giữa hợp tác xã (HTX) và đồng bào dân tộc đã phát huy hiệu quả trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, mở hướng tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững. Nhiều HTX đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống, nâng cao hiệu quả hoạt động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần tiếp sức, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là đồng bào DTTS.
Điển hình là mô hình liên kết giữa HTX Sản xuất dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Mỹ Sơn và các hộ đồng bào tại huyện Ninh Sơn. Hiện nay, HTX đang liên kết với 200 hộ dân, trong đó có nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn trồng bắp, táo. Để nâng cao năng suất, HTX đã đầu tư máy móc nông nghiệp, áp dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết sản xuất nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định. Trong quá trình liên kết, các hộ dân được HTX cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng đúng quy trình sản xuất... Do đó, năng suất bắp cao, đạt 8-9 tạ/sào. Mặt khác, sản phẩm được HTX thu mua, không lo về đầu ra, giá cả, nên các hộ gia đình yên tâm sản xuất.
Còn tại huyện miền núi Bác Ái, những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh khai thác lợi thế cây bản địa và phát triển cây trồng có giá trị kinh tế với “bà đỡ” là các HTX, tổ hợp tác. Tiêu biểu như HTX Công nghệ cao Nam Miền Trung (ở thôn Suối Đá, xã Phước Tiến, Bác Ái) đã xây dựng khu nông trại nhà kính 2 ha, liên kết với nông dân sản xuất dưa lưới. HTX cam kết cung ứng một phần đầu vào đáp ứng số lượng, chất lượng sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm mà nông dân đăng ký cùng liên kết sản xuất với giá ổn định. Ngoài ra, HTX đã triển khai mô hình mẫu đáp ứng yêu cầu để nông dân tham quan tìm hiểu, cùng hợp lại trong chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu.
Chú trọng phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao (Ảnh: T.H) |
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Ninh Thuận định hướng phát triển tổng đàn gia súc có sừng theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Qua gần 2 năm thực hiện, các hộ nằm trong diện hưởng lợi từ chương trình, dự án đã thành lập các tổ nhóm liên kết chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm vật nuôi. Trong đó, tiêu biểu là huyện Thuận Bắc. Từ năm 2022 đến nay, huyện Thuận Bắc tiến hành hỗ trợ trên 1,175 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản; hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho hộ dân thuộc các xã: Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn, Công Hải, Lợi Hải với kinh phí 2,750 tỷ đồng; đầu tư 1,19 tỷ đồng duy tu, sửa chữa 3 công trình hệ thống thủy lợi.
Đồng thời, hỗ trợ trên 923 triệu đồng thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm người lao động vùng đồng bào DTTS; đầu tư 1,220 tỷ đồng thực hiện Dự án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Phước Chiến…
Trong thời gian tới, huyện Thuận Bắc định hướng đầu tư các mô hình sản xuất phù hợp, gắn với thị trường tiêu thụ. Đồng thời chú trọng đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự lực, vươn lên thoát nghèo trong vùng đồng bào DTTS.
Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã góp phần giúp người dân tạo sinh kế, từng bước thoát nghèo bền vững. |