Thêm thông tin vui nữa khi đây là sản phẩm OCOP đầu tiên của TP. Đà Nẵng xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường lớn này.
Đây không phải là lô sản phẩm OCOP đầu tiên của Việt Nam lên tàu đi xa, thế nhưng nó như thêm một cánh én đưa xuân về báo hiệu những chân trời mới, những mùa xuân mới cho thị trường sản phẩm OCOP Việt bên cạnh việc chinh phục thị trường trong nước. Để từ đó khẳng định thêm sức sống mãnh liệt của hàng hoá Việt, văn hoá Việt với thị trường, với người dùng 4 phương.
Mỗi một lô sản phẩm Việt Nam xuất khẩu, càng vui hơn khi qua cửa chính ngạch là một điểm nhấn thêm cho bức tranh tăng trưởng kinh tế đất nước. Nhưng với sản phẩm OCOP, niềm vui còn nhiều hơn bởi nó khẳng định một lối đi mới, khai mở một “mặt trận mới” cho sản phẩm hàng Việt. Rằng bên cạnh những sản phẩm Việt hướng tới đông đảo người dùng các nước, họ còn có thêm những sản phẩm như những "nụ hoa" của thị trường tiêu dùng. Bức tranh văn hoá và hội nhập của Việt Nam cũng vì thế mà thêm sắc diện mới.
Ảnh minh hoạ |
Thành công khi có thêm những lô hàng OCOP Việt Nam không chỉ bằng lòng với thị trường nội địa mà hướng tới những chân trời thị trường mới tựa như những lực đẩy và vẫy gọi để sản phẩm OCOP Việt Nam thêm tự tin, thêm động lực lên đường đi xa. Nhất là khi cả nước tuy đã có 33,4% sản phẩm OCOP đạt 4 sao song mới chỉ có 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao, đủ tiêu chuẩn chinh phục thị trường ngoại.
Ở góc độ rộng lớn hơn, sự thăng hạng “sao” của sản phẩm OCOP Việt Nam đã cho thấy thấy nông nghiệp Việt Nam, nông thôn Việt Nam đầy đủ khả năng giải quyết những vấn đề kinh tế của mỗi giai đoạn, từ việc lo “nồi cơm” của từng gia đình đến “nồi cơm” của cả nền kinh tế với những chất lượng mới, tiêu chí mới bằng việc tạo dựng những sản phẩm đáp ứng được đòi hỏi của xã hội hôm nay, thị trường hôm nay bao gồm cả thị trường khu vực, liên khu vực trong nước và rộng hơn là thị trường quốc tế.
Mỗi một sản phẩm OCOP dù còn và sẽ được gắn hạng “sao” nào đó nhưng đều chứa đựng trong đó ý thức về phát triển, không cam chịu đói nghèo, tụt hậu mà sẵn sàng tạo dựng một không gian phát triển, hội nhập ngay trên mảnh đất của mình. Hội nhập đã trở thành yếu tố tự thân, cũng là nhu cầu với việc xây dựng các sản phẩm OCOP với các giá trị căn bản như sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cùng việc đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định, những tín hiệu căn bản của thị trường.
Để sản phẩm OCOP chắc chân trên thị trường trong nước và rộng đường ra với thị trường các nước, nhiều địa phương trên cả nước đã có những cách làm hay, những mô hình tốt và nhiều mô hình trong số này có tính lan toả. Điểm nhấn ở đây chính là sự vào cuộc chủ động của chính quyền các cấp về cơ chế chính sách, mức đầu tư hỗ trợ, tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ cho sản phẩm và phối hợp cùng vun vén chăm lo cho sản phẩm OCOP địa phương kết tinh thêm những phẩm cấp của tiêu dùng hiện đại.
Điều này đã làm sâu sắc thêm ý nghĩa kinh tế, ý nghĩa xã hội của thị trường sản phẩm OCOP để từ đó thoát ra khỏi tính phong trào của một chủ trương sản xuất mà đi sâu xác lập vị thế sản phẩm. Tiêu đích lâu dài ở đây chính là làm giàu cho các thương hiệu trong Chương trình thương hiệu quốc gia của Việt Nam.
Trong vai trò quản lý nhà nước, công tác kết nối, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài tạo cơ hội, dư địa cho hàng hoá Việt nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng luôn được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm bằng các hình thức chủ động, linh hoạt, trong đó phát huy thế mạnh của các hình thức giao dịch điện tử.
Đây cũng là một định hướng quan trọng của công tác mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất trong năm 2023 được Bộ Công Thương thực hiện bằng hàng loạt các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các cuộc giao ban cung cấp thông tin của hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước. Để từ đó thêm tin tưởng, thêm kỳ vọng cho các sản phẩm OCOP Việt vươn dài, bay xa trong những mùa xuân mới của thị trường.