Kinh tế quý I/2023: Điểm cộng ổn định kinh tế vĩ mô Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô Ổn định kinh tế vĩ mô và những kinh nghiệm Việt Nam |
Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phiên thảo luận này cũng sẽ tiếp tục diễn ra vào sáng ngày 1/6.
Hoạt động sản xuất công nghiệp (ảnh minh họa) |
Thông qua các phiên thảo luận này sẽ phân tích cụ thể, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng như việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm, đặc biệt, làm rõ những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế, để từ đó đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời…
Từ “kỳ tích” trong khó khăn
Quay ngược lại năm 2022, trong điều kiện có nhiều khó khăn không thể lường trước, nhưng nước ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật như: GDP tăng trưởng 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020 - 2021.
Đáng chú ý, sự phục hồi được ghi nhận khá đồng đều ở cả 03 khu vực của nền kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Một “điểm sáng” nữa đó kinh tế số tiếp tục tăng trưởng. Theo báo cáo “e-Cononomy SEA 2022” do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, kinh tế số của Việt Nam năm 2022 đạt giá trị 23 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD so với năm 2021 và đang trên đà đạt 50 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực nhờ sự đột phá của ngành thương mại điện tử.
Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tăng 3,15% so với bình quân năm 2021; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước.
Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước; tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (28,6%) so dự toán, cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 342,6 nghìn tỷ đồng, bằng 3,6% GDP thực hiện.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD, tăng khoảng 10,5% so với năm 2021; xuất siêu đạt hơn 12,4 tỷ USD; các cân đối khác của nền kinh tế như cân đối lương thực, cân đối điện năng phục vụ cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân cơ bản được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,17 điểm %; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,89%…
Những con số trên là minh chứng cho thấy, trước “con sóng chao đảo” của tình hình thế giới (lạm phát gia tăng, sụt giảm tăng trưởng), Việt Nam vẫn giữ vững ổn định vĩ mô, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Không phải ngẫu nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong "bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.
Tiếp tục “chèo lái” trước các cơn sóng lớn
Bước sang năm 2023, tiếp tục là một năm "gập ghềnh" với kinh tế thế giới, với những diễn biến kém tích cực do hệ quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát cao và kéo dài tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Đặc biệt, kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp. Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến Ngân hàng trung ương các nước giữ lãi suất điều hành ở mức cao và tiếp tục xu hướng tăng; OPEC cắt giảm sản lượng dầu gây áp lực lên giá năng lượng; xung đột Nga-Ukraina chưa thể kết thúc cùng căng thẳng địa chính trị gia tăng là những khó khăn lớn đối với kinh tế thế giới.
Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 là 1,7%, giảm mạnh 1,3 điểm % so với dự báo hồi tháng 6/2022; Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 là 2,8%, giảm 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 1/2023.
Thị trường tài chính toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro bộc lộ ngày càng rõ nét hơn trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt sau khi một số ngân hàng Mỹ, châu Âu phá sản, ngừng hoạt động hoặc phải nhận hỗ trợ đặc biệt, có tác động lan tỏa, dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực; tâm lý của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người gửi tiền giảm mạnh. Các thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… diễn biến bất thường theo chiều hướng gia tăng.
Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định: "Nền kinh tế thế giới của chúng ta giống như một con tàu trong vùng biển động. Chúng ta cần tập hợp tất cả sự khôn ngoan để ổn định con tàu và vượt qua những gì phía trước. Trong vòng chưa đầy 3 năm, chúng ta đã trải qua hết cú sốc này đến cú sốc khác".
Mặc dù, kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 mang lại nhiều tín hiệu tích cực, dự báo sẽ là động lực kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng đến cung - cầu thị trường và giá cả xăng dầu, góp phần gây áp lực lên lạm phát toàn cầu cũng như áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa của các nước ASEAN.
Trước những khó khăn đó, ở trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành chính sách kinh tế. Nhờ đó, tình hình kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định.
Nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân. Phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường.
Báo cáo của Ủy ban kinh tế đã nêu rõ: Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng trước và tăng 2,81% so với cùng kỳ. Tính chung 04 tháng/2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ, tiếp tục giảm từ mức bình quân 4,18% của quý I. Cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD).
Hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực tăng khá, ngành nông nghiệp thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực, là động lực chính của tăng trưởng GDP quý I. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định…
Tuy nhiên, do Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn đã có tác động tiêu cực nhất định, cả trực tiếp và gián tiếp, đến hoạt động xuất, nhập khẩu, đầu tư; đan xen cả cơ hội và thách thức trong ngắn hạn. Hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút FDI gặp nhiều khó khăn, đã tác động trực tiếp đến tăng trưởng, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế…
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam thời gian tới bao gồm những rủi ro từ bên ngoài, như tăng trưởng kinh tế chậm lại của các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Trung Quốc và EU sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu. Lạm phát kéo dài dẫn đến điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn nữa, ảnh hưởng tới thị trường tài chính Việt Nam. Rủi ro và căng thẳng địa chính trị vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong ngắn và trung hạn…
Có câu: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị…