Giám đốc ADB: Việt Nam duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trong năm qua Chính sách tiền tệ: Ứng phó linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô |
Đây chính là nền tảng quan trọng để kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ có được xu hướng tăng trưởng cao hơn trong những quý tiếp theo.
Dễ thấy nhất là lạm phát của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát ở mức hợp lý. Với Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước đó và giảm là xu hướng chung bởi đây là thời điểm giá cả thường hạ nhiệt sau các dịp lễ, Tết, thì CPI bình quân của cả quý I chỉ còn tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế là chỉ số này không thấp, nếu so với con số 2,63% của quý I/2019; 0,29% của quý I/2021 và 1,92% của quý I/2022, nhưng đã “hạ nhiệt” so với tốc độ tăng của những tháng đầu năm (tháng 1/2023, CPI tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân hai tháng, mức tăng là 4,6%).
Sau ba tháng, con số đang là 4,18%, vẫn đang trong tầm kiểm soát và có thể nói là khá hợp lý so với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm nay mà Quốc hội đã quyết nghị.
Ngay cả chỉ số lạm phát cơ bản cũng đã bớt “căng” hơn: tháng 1/2023 là 5,21%; bình quân hai tháng là 5,08%; còn bình quân 3 tháng là 5,01%. Tuy vẫn cao hơn lạm phát chung, nhưng vẫn đang trong xu hướng giảm dần.
Trái với quy luật tăng trưởng, là quý sau cao hơn quý trước, thì thông thường, diễn biến CPI trong quý I luôn “căng” nhất. Chính vì vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt hơn trong những tháng tới đây.
Cùng với lạm phát, một chỉ số quan trọng khác cũng cho thấy kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Đó là trong bối cảnh khó khăn chung, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, nhưng nền kinh tế vẫn đang có thặng dư thương mại trên 4 tỷ USD. Đây chính là kết quả của những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành, cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong tìm kiếm đơn hàng, thúc đẩy xuất khẩu.
Ổn định kinh tế vĩ mô chính là nền tảng quan trọng để nền kinh tế có thể tiếp tục phục hồi và phát triển. Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, những rủi ro, khó khăn vẫn đang tiềm ẩn. Nguy cơ lạm phát cao vẫn đang rình rập, khi giá cả thị trường thế giới neo ở mức cao, khi tiêu dùng trong nước đang tăng, khi tới đây một ngân khoản không nhỏ được đổ vào nền kinh tế để thúc đầu tư công, thúc tăng trưởng kinh tế…
Hơn nữa, điều cần quan tâm là dù CPI vẫn đang ở mức hợp lý, song thực tế, Chỉ số Giá sản xuất vẫn đang “làm khó” doanh nghiệp. Quý I/2023, Chỉ số Giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,47% so với quý IV/2022 và tăng 4,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Chỉ số Giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,66% so với quý trước và tăng 1,05% so với cùng kỳ năm trước. Còn Chỉ số Giá sản xuất dịch vụ tăng 2,15% so với quý trước và tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước.
Khi sản xuất công nghiệp sụt giảm, nền kinh tế đang phải trông chờ vào hai trụ đỡ là nông nghiệp và dịch vụ, nhưng khi Chỉ số Giá sản xuất của hai lĩnh vực này đang tiếp tục tăng cao, thì sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tới “sức khỏe” của nền kinh tế nói chung.
Có một điểm đáng mừng là, Tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT) quý I/2023 tăng 1,33% so với quý trước và tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có nghĩa, Chỉ số Giá xuất khẩu có mức giảm thấp hơn mức giảm của Chỉ số Giá nhập khẩu và Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi khi giá hàng xuất khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng nhập khẩu. Nhưng đằng sau con số xuất siêu 4 tỷ USD có thể cũng là một nỗi lo. Bởi lẽ, xuất siêu lớn có thể do giảm nhập khẩu nguyên vật liệu dành cho sản xuất và điều này cho thấy, phía trước còn nhiều khó khăn…
Vì thế, dù hiện tại, kinh tế vĩ mô đang ổn định và không thể phủ nhận đó là một điểm cộng lớn, song có lẽ, vẫn phải tiếp tục thận trọng trong điều hành để có thể duy trì sự ổn định bền vững hơn cho nền kinh tế.