Chuyển đổi số báo chí: Cơ hội và thách thức Chính thức có bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí Chuyển đổi số trong báo chí là xu thế tất yếu |
Tọa đàm về “Chuyển đổi số báo chí” có sự tham dự của đông đảo đại biểu là đại diện cơ quan quản lý; lãnh đạo các cơ quan báo chí. Chương trình có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự đồng hành, kết nối sâu sắc giữa ngành báo chí và công nghệ thông tin tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.
Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam giới thiệu về mục đích của tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe những nội dung chia sẻ về thành tựu đạt được trong quá trình chuyển đổi số tại một số cơ quan báo chí; thách thức đặt ra với các đơn vị trong thời đại số; nhận định về sự tác động của công nghệ trong lĩnh vực báo chí và cơ hội, giải pháp công nghệ trong tương lai. Cùng với đó, những trao đổi, thảo luận được các đại biểu đưa ra thẳng thắn, cởi mở, đóng góp giá trị nội dung sâu sắc, đa chiều.
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ về sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, tính ứng dụng trong các hoạt động khác nhau của đời sống xã hội nói chung và trong lĩnh vực truyền thông, báo chí nói riêng. Qua những trải nghiệm gặp gỡ, làm việc cùng các đơn vị báo chí lớn trên thế giới, cùng những đánh giá, cá nhân, ông đưa ra dự báo về sự thay đổi của toà soạn số trong tương lai với những con số ấn tượng.
Với chủ đề “Đưa toàn bộ quy trình, hoạt động nghiệp vụ báo chí lên môi trường số”, ông Nguyễn Khắc Văn - Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng - cho biết: Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận thức rõ chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu phải tiến hành trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đảm bảo sự vận hành quy trình tác nghiệp - xuất bản và kinh tế báo chí theo hướng thống nhất. Tận dụng tất cả các nguồn lực để sản xuất ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí dưới nhiều dạng thức khác nhau, cũng như tạo điều kiện cơ bản để báo tham gia vào hệ sinh thái truyền thông số một cách mạnh mẽ hơn, mở rộng đối tượng công chúng và tạo thêm nguồn thu mới.
Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT trao đổi tại tọa đàm |
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số có quá nhiều rào cản. Điển hình như, tờ báo chưa xây dựng được quy chế thực hiện các bước công việc trong quy trình làm báo chung của các ấn phẩm và báo online để các ban chuyên môn, phóng viên thường trú thực hiện nghiêm túc. Các công đoạn của quy trình xuất bản không thể thực hiện song song cùng một lúc, gây nghẽn "cổ chai" ở các khâu: biên tập, duyệt, dàn trang, dò và sửa lỗi. Quy trình làm việc vừa thủ công - vừa hiện đại dồn quá nhiều việc vào một số bộ phận và một số ít người, gây ra nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ phục vụ quy trình tác nghiệp và xuất bản của báo mặc dù có được cải thiện, nâng cấp, tuy nhiên hiện vẫn còn manh mún chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong việc nâng cao chất lượng hoạt động báo chí đa phương tiện. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng cấp phát trang thiết bị hiện đại để chuyển đối số tốn khá nhiều kinh phí.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ tại tọa đàm |
Chia sẻ về những thách thức trong thực hiện chuyển đổi số báo chí, ông Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập Báo Thanh Niên thừa nhận, cũng như hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam, Báo Thanh Niên không có một nền tảng công nghệ tự xây dựng từ A-Z mà hầu như phải dựa vào các đối tác trong và ngoài nước. Điều này khiến đơn vị khó chủ động khi cần tạo ra các sản phẩm mới; kho dữ liệu bị phân tán, không kết nối liên thông được với nhau để tối ưu nguồn lực và tăng hiệu suất công việc...
Khi làm việc với các đối tác có đội hỗ trợ kỹ thuật ở nước ngoài, tiến độ xử lý thường bị chậm do chênh lệch thời gian và hạn chế về số lượng nhân sự chuyên trách. Chi phí phải trả cho các đối tác cũng rất lớn.
Đáng nói là sự khan hiếm trên thị trường của các giải pháp mang tính địa phương, hiểu theo nghĩa phù hợp với đặc điểm của báo chí Việt Nam, do các nhà cung cấp dịch vụ trong nước phát triển. Với các nhu cầu cơ bản về CMS, máy chủ... thì không có vấn đề gì, nhưng với những ngành mũi nhọn như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu sâu phục vụ phân phối nội dung cá nhân hoá, phát quảng cáo đúng khách hàng mục tiêu, quản lý dữ liệu người dùng.... thì chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia.
Do vậy, ông Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và đơn vị báo chí cần tăng cường tiếp xúc, trao đổi với nhau để hiểu rõ hơn các vấn đề mà thực tế chuyển đổi số đang đặt ra với báo chí Việt Nam - vừa là một sự nghiệp quan trọng của hệ thống chính trị nhưng cũng đồng thời là một ngành kinh tế còn nhiều tiềm năng. "Chúng ta nên nhớ rằng với chuyển đổi số báo chí và truyền thông sẽ ngày càng giao thoa nhiều hơn trong một khái niệm mở rộng là nội dung số. Cùng nhau nhận diện những vấn đề về công nghệ báo chí - truyền thông sẽ giúp cả hai bên khai phá những cơ hội kinh doanh cùng có lợi, sáng tạo ra những giá trị mới “Make in Vietnam”, và qua đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước", ông Toàn nhấn mạnh.