Chuyển đổi số báo chí là một cuộc “cách mạng” chuyển đổi tư duy người làm báo Sẽ định kỳ đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí |
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vai trò chuyển đổi số báo chí nhân dịp 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).
Thưa ông, chuyển đổi số đang là một xu hướng diễn ra mạnh mẽ và báo chí không đứng ngoài cuộc đua này. Ông đánh giá gì về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong báo chí hiện nay?
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam |
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần XI của Hội Nhà báo Việt Nam và theo chủ trương quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam, việc thực hiện chuyển đổi số trong báo chí là nhu cầu có thực và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Chúng ta có thể thấy rằng, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, xu hướng chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang diễn ra mạnh mẽ và báo chí không thể đứng ngoài xu hướng đó. Hiện nay, cách tiếp cận thông tin của công chúng, độc giả đã khác và việc chúng ta thực hiện chuyển đổi số, thực hiện các giải pháp công nghệ trong quá trình sản xuất và truyền tải thông tin đến độc giả cũng cần cách tiếp cận mới. Vì thế, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết và một số trường hợp cụ thể, chuyển đổi số mang ý nghĩa sống còn với hoạt động của một số cơ quan báo chí.
Tất nhiên, việc chuyển đổi số không phải là xu hướng, theo trend mà là nhu cầu có thật. Tuy nhiên, với mỗi cơ quan báo chí, tùy trường hợp cụ thể sẽ thực hiện chuyển đổi số đến mức nào? Điều này phụ thuộc vào nhiều vấn đề, một là chủ trương, quyết tâm của cơ quan báo chí, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan báo chí. Thứ hai, phụ thuộc vào các nguồn lực: Nguồn nhân lực (người có khả năng nắm bắt công nghệ, có khả năng thực hiện các phương thức tác nghiệp trên nền tảng số); trang thiết bị đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số; tài lực. Điều này phụ thuộc nhiều vào các cơ quan báo chí và sự ủng hộ của cơ quan chủ quản báo chí.
Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố quan trọng nhất của chuyển đổi số không hoàn toàn đến từ công nghệ hay nền tảng mà quan trọng nhất là yếu tố con người. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, yếu tố con người vẫn là yếu tố quyết định. Công nghệ dù hiện đại đến đâu cũng là sản phẩm của con người. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí là sự thay đổi của tư duy và nhận thức; quyết tâm của các cơ quan báo chí và ủng hộ của tòa soạn…
Đồng thời, nếu không có đội ngũ làm công nghệ, các kỹ sư thì không thể chuyển đổi số. Thậm chí, đội ngũ kỹ thuật viên trong nhiều tòa soạn trên thế giới hiện nay còn ngang ngửa với người làm nội dung.
Số hóa trong các cơ quan báo chí là “cuộc chơi” trên internet, đòi hỏi sự nhanh nhạy, chính xác về thông tin. Song nhiều cơ quan báo chí vì chạy đua về thông tin nên đôi khi có sự xa rời tôn chỉ mục đích. Ông nhận định thế nào về thực trạng này?
Hoạt động tại Trung tâm đa phương tiện và nội dung số Công Thương. Ảnh: Cấn Dũng |
Bản chất của báo chí là chạy đua về thông tin nên tính nhanh nhạy, chính xác, kịp thời luôn được đề cao. Tuy nhiên, thời gian qua, vì chạy theo điều này mà có một số cơ quan báo chí không chỉ trên mạng xã hội mà kể cả việc thông tin đến bạn đọc đôi lúc cũng thiếu sự chính xác, thiếu điều tra, phân tích, thiếu chiều sâu thông tin. Do đó, thời gian qua, trên báo chí còn có nhiều thông tin thiếu chính xác, sai lệch hoàn toàn.
Hiện nay có một thực tế là công chúng đang quay lại với những tác phẩm báo chí có chiều sâu, có sự đầu tư về thời gian, tư duy và phân tích tổng hợp. Tôi cho rằng đây là xu hướng mà chúng ta cần lưu ý. Và các cơ quan báo chí cần có sự hài hòa giữa việc có các thông tin nhanh nhạy, kịp thời nhưng vẫn cần chính xác, khách quan, chất lượng.
Phải khẳng định rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng đòi hỏi sự đầu tư lớn. Vậy các cơ quan quản lý cần hỗ trợ gì cho các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng không chỉ các cơ quan quản lý mà các cơ quan chỉ đạo báo chí đều có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số báo chí. Ban Tuyên giáo Trung ương và địa phương có vai trò trong định hướng hoạt động của cơ quan báo chí về tính tư tưởng, tính chính trị trong các sản phẩm báo chí. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc làm thế nào để các cơ quan báo chí tác nghiệp nhanh nhạy, kịp thời gắn với xác lập lại kỷ cương kỷ luật trong hoạt động báo chí.
Thời gian qua, nhiều nhà báo đã có những hành vi mang tính lệch chuẩn về đạo đức và nguyên tắc nghề nghiệp. Do đó, cần vai trò của cơ quan báo chí trong việc lập lại kỷ cương trong các cơ quan báo chí. Cũng có hiện tượng cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, theo dõi, chỉ đạo, lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc quyền quản lý của mình dẫn đến một số hoạt động đi chệch tôn chỉ mục đích.
Bên cạnh quản lý, cần lưu ý hơn đến công tác hỗ trợ cho các cơ quan báo chí. Bởi không có đầu tư gì lợi hơn là đầu tư cho báo chí khi đây là công cụ truyền tải các thông điệp, chủ trương, chính sách của lãnh đạo đến với công chúng, người dân một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác nhất.
Dù quan trọng song chuyển đổi số là quá trình khó khăn và tốn kém. Ông có gợi ý gì với cơ quan báo chí để việc chuyển đổi số đạt hiệu quả cao?
Trong quá trình chuyển đổi số, không phải cơ quan báo chí nào cũng làm giống nhau. Nhưng nếu không chuyển đổi số mà đứng tại chỗ sẽ bị đào thải. Hiện nay, người đọc không xem báo trên báo giấy hay truyền hình nhiều nữa mà họ thường xem trên các thiết bị đầu cuối, thiết bị thông minh và qua các hình thức truyền tải trên nền tảng số. Vì vậy, nếu không chuyển đổi số thì không đáp ứng được nhu cầu đó và chúng ta không có độc giả. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, vào điều kiện, quy mô của các cơ quan báo chí. Cho nên chúng ta không làm ồ ạt theo xu thế, phong trào mà phải làm đúng với điều kiện của cơ quan báo chí của mình. Điều này cần sự nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí, đồng thời cũng cần sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí và quyết tâm của tập thể cán bộ, công nhân viên ở cơ quan báo chí đó.
Nhân dịp 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), ông có lời nhắn nhủ gì đến với các đồng nghiệp đang làm báo trên khắp cả nước?
Nhân dịp 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, người làm báo cả nước đang chuẩn bị bước vào kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (năm 2025). Chúng ta là nền báo chí cách mạng đã có bề dày đáng tự hào nên cần phát huy hơn nữa vai trò báo chí cách mạng trong 100 năm qua. Báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, của dân tộc, chúng ta phải làm sao xứng đáng với truyền thống đó; phải phản ánh chính xác khách quan, trên lăng kính của những người làm báo cách mạng về đời sống chính trị, xã hội của đất nước, về truyền thống và hiện trạng đất nước. Báo chí cũng phải phấn đấu để có sự phát triển về tư tưởng chính trị, hình thức thể hiện hiện đại, theo kịp xu hướng của báo chí thế giới, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của xã hội hiện nay. Đặc biệt, trong một số lĩnh vực chúng ta phải đi trước, nhất là trong công nghệ và chuyển đổi số.
Xin cảm ơn ông!