Ngành công nghiệp "xanh hóa" để tăng tính cạnh tranh Giảm giá thuê bất động sản công nghiệp, kinh nghiệm từ Trung Quốc |
Mặc dù còn đối diện với nhiều khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp quý I/2024 tiếp tục xu hướng tăng trưởng dương của những quý gần đây. Để làm rõ hơn những nhận định về tình hình sản xuất công nghiệp quý II/2024, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Phí Thị Hương Nga – Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê).
Xin bà cho biết những điểm sáng của hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý I/2024?
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2024 tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3/4 ngành công nghiệp cấp I, bao gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng so với cùng kỳ năm trước với mức tăng lần lượt là 5,9%, 12,1% và 4%.
Bà Phí Thị Hương Nga – Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) |
Xét theo ngành công nghiệp cấp II, có 26 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó 12 ngành tăng trưởng trên 10%. Đặc biệt, có một số ngành quý I năm trước tăng trưởng âm nhưng sang quý I năm nay có mức tăng cao như: Sản xuất kim loại tăng 16,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,8%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 18,1%. Đây là những tín hiệu tích cực trong bức tranh công nghiệp quý I/2024.
Bên cạnh đó, một số ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta trong thời gian qua, quý I năm nay đã tăng trưởng trở lại như: Dệt tăng 14,6%; sản xuất trang phục tăng 3,7%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan tăng 5,5%; sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 0,4%.
Một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn có chỉ số IIP tăng cao như: Bắc Giang tăng 23,9%; Thanh Hóa tăng 20%; Quảng Ninh tăng 14%: Hải Dương tăng 13,4%; Hải Phòng tăng 10,4%; Vĩnh Phúc tăng 6,7%; Thái Nguyên tăng 6,2%.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I tăng 5,9%, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%, cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất, kéo theo chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo thời điểm 31/3/2024 dự kiến tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tồn kho 19,8% cùng thời điểm năm 2023. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo bình quân quý I năm 2024 là 68,7%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tồn kho cùng cùng kỳ năm 2023 là 81,1%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2024 tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước |
Bên cạnh những điểm sáng, đâu là điểm hạn chế của sản xuất công nghiệp quý I/2024, thưa bà?
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá nhưng trên nền sản xuất quý I/2023 giảm. Tốc độ tăng trưởng quý I năm nay chỉ tương đương với tốc độ tăng của quý I các năm 2020, 2021, đây là hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và thấp hơn tốc độ tăng trưởng của các năm trước dịch Covid-19.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và chỉ cao hơn quý I/2023 - là năm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng âm. Qua đó cho thấy, sản xuất công nghiệp tuy có tăng nhưng mức độ chuyển biến còn chậm và chưa thực sự khởi sắc.
Đặc biệt, trong số 33 ngành công nghiệp cấp II, có 7 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm. Trong đó: Ngành sản xuất phương tiện vận tải khác và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi vẫn tiếp tục đà giảm trong hai năm liên tiếp.
Một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn tăng ở mức thấp hoặc giảm, cụ thể Chỉ số IIP quý I của thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai cùng tăng 5,1%; Bình Dương tăng 3,9%; Hà Nội tăng 3,6%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 0,2%; Quảng Ngãi giảm 0,5%; Quảng Nam giảm 2,4%; Bắc Ninh giảm 8,7%.
Từ những điểm tích cực và chưa tích cực trong bức tranh công nghiệp quý I/2024, bà nhận định như thế nào về tình hình sản xuất công nghiệp quý II/2024?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, xung đột tại Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, xung đột Biển Đỏ, dải Gaza tiếp tục leo thang, giá các loại hàng hóa và dịch vụ trên thế giới tăng cao làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các điều kiện, tiêu chuẩn hàng hóa yêu cầu theo hướng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, quy trình, thông tin, yêu cầu sản xuất xanh… sẽ gây áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Với xu hướng chung là chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, các ngành công nghiệp dựa vào khai thác khoáng sản dự báo vẫn tiếp tục suy giảm trong quý II/2024. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 khả quan hơn quý I với 82,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn và giữ ổn định so với quý I. Cụ thể, có tới 45,4% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và 36,6% nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, chỉ có 18,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II khó khăn hơn quý I/2024.
Cùng với đó, ngành sản xuất và phân phối điện được dự báo vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của dân cư. Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải dự báo vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Xin cảm ơn bà!