Nhiều doanh nghiệp Việt còn yếu về nội lực, 'đói' thông tin từ các thị trường xuất khẩu
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho biết, ngành /chu-de/cong-nghiep-che-bien-che-tao.topic đã khẳng định vai trò dẫn dắt với tốc độ tăng gần 8,7%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế nửa đầu năm. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Trong quý II/2024, hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được các chuyên gia chỉ ra vẫn là nhu cầu thị trường trong nước thấp và tính cạnh tranh của hàng trong nước cao.
Ông Cao Văn Hùng - Giám đốc Phát triển thị trường Quốc tế Cty CP Cơ khí Chính xác Smart Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Quốc Chuyển |
Chia sẻ về vấn đề này tại Toạ đàm "Xúc tiến thương mại, tạo “đòn bẩy” cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo" diễn ra chiều 24/10 do Báo Công Thương tổ chức, ông Cao Văn Hùng - Giám đốc Phát triển thị trường Quốc tế Công ty Cơ khí chính xác Smart Việt Nam cho biết, với các xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ của các doanh nghiệp đến từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đã đón được làn sóng chuyển dịch mới.
Về phía Smart, trong 9 tháng đầu năm, doanh số bán hàng công ty vào thị trường quốc tế đã tăng 178% so với năm ngoái và theo như tôi dự báo con số này có thể lên tới 230-250% vào cuối năm nay”, ông Hùng chia sẻ.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Giám đốc Phát triển thị trường Quốc tế Công ty Cơ khí chính xác Smart Việt Nam cho rằng, hiện nay Smart cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai, cũng như đáp ứng được nhu cầu tăng mạnh về đơn hàng cho các thị trường quốc tế như Anh, Mỹ, Úc, Canada.
“Khó khăn thứ nhất phải nói đến là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở thời điểm hiện tại để đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn. Đặc biệt, những người tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất. Thêm đó, các đối tác nước ngoài yêu cầu rất cao về chất lượng, cần doanh nghiệp phải biết kết nối với những bên liên quan để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm những đơn vị có cùng tư duy xuất khẩu, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu cao là một việc rất khó khăn" - ông Hùng nói.
Chỉ ra những điểm vướng mà các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung và Smart nói riêng đang gặp phải hiện nay, ông Hùng cho rằng, yếu tố khách quan do căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng. Đồng thời, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm.
Cùng với đó, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam rất yếu về nội lực, “đói” thông tin từ các thị trường, thông tin khách hàng và thiếu cả thông tin chính sách khiến cho nhiều doanh nghiệp khó.
Với nguyên nhân chủ quan, ông Hùng nhận định, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa chủ động tìm hiểu, chủ động kết nối trực tiếp với các đối tác, khách hàng tại các thị trường quốc tế. Từ đó việc có được một đơn hàng mất rất nhiều thời gian, thậm chí có thể giảm lợi nhuận khi bắt tay qua đơn vị thứ ba để tìm kiếm khách hàng.
Đặc biệt, định hướng của doanh nghiệp hiện nay chưa rõ ràng, chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam, chưa có tâm thế vươn ra thế giới.
"Theo đó, muốn nâng cao vị thế và tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cần phải trực tiếp đi tìm hiểu thị trường và lắng nghe những phản hồi của đối tác, qua đó có thể cải tiến sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường" - ông Hùng nêu quan điểm.
Cụ thể, với kinh nghiệm nhiều năm "chinh chiến" tại thị trường nước ngoài, với kết quả hiện 90% sản phẩm của Smart đã xuất khẩu tại nhiều thị trường khó tính, ông Hùng khuyến nghị, mỗi doanh nghiệp khi muốn "chen chân" vào thị trường nước ngoài cần chuẩn bị một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện như định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu, ông Hùng đề xuất, đối với Chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội cần hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường khó tính như thường xuyên tổ chức các hội thảo, diễn đàn, triển lãm để doanh nghiệp có cơ hội được cập nhật thông tin về thị trường, đối tác và các cơ hội kinh doanh mới.
Đối với doanh nghiệp, để phát triển hơn nữa cần tăng cường liên kết với nhau, tạo những cơ hội đầu tư nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh và tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu để giảm thiểu phụ thuộc nguyên phụ liệu của các nhà cung cấp nước ngoài.
Đặc biệt, cần chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực ngay cả trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu; nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Và quan trọng, doanh nghiệp cần có cơ chế đầu tư nguồn nhân lực sớm, có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần thỏa đáng cho người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Đây chính là đầu tư cho nguồn nhân lực để tạo ra lợi thế cạnh tranh khi hội nhập.