Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động từ 4 làn sóng dịch chuyển Toạ đàm "Xúc tiến thương mại, tạo “đòn bẩy” cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo" diễn ra chiều 24/10 |
Đánh giá tiềm năng của sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tại Toạ đàm "Xúc tiến thương mại, tạo “đòn bẩy” cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo" chiều 24/10 do Báo Công Thương tổ chức, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành "xương sống", nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế, luôn trở thành ngành dẫn đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo càng lớn thì góp phần vào tăng trưởng kinh tế càng cao. Sự phát triển mạnh của ngành kéo theo sự phát triển của công nghệ và cải tiến chuỗi cung ứng theo hướng bền vững, xanh hóa, tăng sức cạnh tranh quốc gia trên thị trường quốc tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là một ngành công nghiệp lớn với nhiều nhóm ngành, phân ngành nhỏ. Trong đó, có 8 nhóm ngành đóng góp lớn vào sự phát triển của công nghiệp chế biến, chế tạo, bao gồm: Hóa chất, cao su, nhựa; dệt may, da giày, chế biến thực phẩm và đồ uống; chế biến lâm sản; cơ khí; điện tử; sản xuất kim loại; sản xuất vật liệu xây dựng.
Năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được trên 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và tăng 39,3% so với năm 2022. Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp CBCT sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 26,7%; xăng, dầu tăng 20,3%; thép cán tăng 16,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,9%; đường kính tăng 13,5%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,3%; sữa bột tăng 12,1%; ô tô tăng 11,9%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2024 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,6%).
"Nhìn chung, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu" - TS.Nguyễn Minh Phong nói.
Vướng rào càn tiếp cận các quy chuẩn từ thị trường nước ngoài
Mặc dù tăng trưởng ấn tượng, song theo TS. Nguyễn Minh Phong, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và yêu cầu phát triển thực tế, giá trị gia tăng tạo ra thấp. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ), việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục gặp khó; Quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của các đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng,…
Bên cạnh đó, chuyên gia Phong chỉ ra, tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm qua (các nước khác trong khu vực có khoảng 15-20%). Tỷ lệ nội địa hóa của nhiều phân ngành công nghiệp ở mức thấp, phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc, thiết bị sản xuất. Các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, điện tử nhập khẩu từ 60% đến 70% nguyên liệu.
"Sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài" - ông Phong cho hay.
Toạ đàm "Xúc tiến thương mại, tạo “đòn bẩy” cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo" chiều 24/10 |
Đặc biệt, ngành còn phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu và nhu cầu thị trường trong nước thấp. Ngoài ra, phần lớn các tập đoàn lớn trong nước là tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nội địa mới dừng ở những khâu gia công, lắp ráp, công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta công nghệ thấp, chỉ dừng lại ở khâu gia công, lắp ráp, chưa tập trung vào các ngành công nghiệp mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao. Nội lực của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cao còn yếu, thiếu năng lực hòa nhập; doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam đang sử dụng các công nghệ lạc hậu so với trung bình của thế giới, thiếu sự chủ động.
"Khó khăn nhất trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là doanh nghiệp trong nước nặng về gia công, chế biến, phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, thiếu nguồn lực, thiếu nguyên liệu đầu vào, đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc" - chuyên gia Phong nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, trong thời gian tới, còn nhiều thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện. Theo đó, để các sản phẩm công nghiệp nói chung, ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng rộng cửa tiếp cận các thị trường khó tính cần nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi với sự quyết liệt từ Chính phủ đến các Bộ, ban ngành.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo xúc tiến xuất khẩu, gia tăng năng lực trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một trong những giải pháp được Bộ Công Thương cùng hệ thống thương vụ ở nước ngoài xác định trong thời gian tới là tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế nói chung. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ ra, rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ tạo cơ chế chính sách thuận lợi các ngành phát triển, cùng với sự chung tay của toàn ngành và hơn hết, cần nội lực đủ mạnh từ chính các doanh nghiệp.