Trong năm 2022, ngành khí phải đối mặt với những yếu tố khó khăn, hậu quả do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế và các doanh nghiệp, tình hình địa chính trị trên thế giới bất ổn do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, thị trường năng lượng và chính sách tài chính toàn cầu nhiều biến động (gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung, giá cả leo thang, lạm phát tăng cao, giá khí ở mức cao,…).
Campuchia là thị trường Việt Nam xuất khẩu khí lớn nhất
Trong Báo cáo xuất nhập khẩu phân bón năm 2022 do Trung tâm thông tin Vibiz.vn phối hợp cùng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 18,1 nghìn tấn khí dầu mỏ và các loại khí hydrocarbon, kim ngạch 14,6 triệu USD. Campuchia, Singapore và Na Uy là 3 thị trường Việt Nam xuất khẩu khí đốt chính. Trong đó, Campuchia là thị trường Việt Nam xuất khẩu lớn nhất, đạt 9.784,1 tấn, tương đương 7.232,8 nghìn USD, chiếm 49,5% tổng kim ngạch xuất khẩu khí của cả nước.
Đứng thứ hai là xuất khẩu khí đốt đến Singapore đạt 6.720,1 tấn, tương đương 5.800,7 nghìn USD, chiếm 39,7% tổng kim ngạch. Tiếp sau đó là thị trường Na Uy với sản lượng xuất khẩu đạt 1.398,6 tấn, tương đương 1.265,5 nghìn USD, chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD
Top thị trường nhập khẩu khí năm 2022. Nguồn: Vibiz tổng hợp |
Năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 2.475,9 nghìn tấn khí dầu mỏ và các loại khí hydrocarbon, kim ngạch 1,89 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu khí đốt chính từ ba thị trường Trung Quốc, Ả Rập Xêút và Mỹ. Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập khẩu lớn nhất, đạt 389,4 nghìn tấn, tương đương 327,5 triệu USD, chiếm hơn 17% tổng kim ngạch nhập khẩu khí của cả nước. Nhập khẩu khí đốt từ Mỹ đạt 376,8 nghìn tấn, tương đương 313,4 triệu USD, chiếm 16,5% tổng kim ngạch. Tuy sản lượng nhập khẩu từ Ả Rập Xêút đạt 414,8 nghìn tấn, tương đương 309,8 triệu USD, song chỉ chiếm 16,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, đứng sau Mỹ. Ngoài ba thị trường chủ lực kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu khí từ các thị trường khác như: Qatar, UAE, Kuwait, Brunei, Nigeria,…
Tích cực chuẩn bị cho nhập khẩu và kinh doanh LNG
Trong bối cảnh nguồn khí LNG trong nước còn hạn chế, việc nhập khẩu LNG là vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn mới cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Hệ thống công trình khí của PVGAS. Ảnh minh họa |
Hiện tại Chi nhánh Kinh doanh LNG (PV GAS LNG) đang tích cực triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị cho nhập khẩu và kinh doanh LNG: Thu xếp nguồn LNG phục vụ công tác chạy thử kho LNG Thị Vải 1 triệu tấn; xây dựng phương án tổ chức kinh doanh hiệu quả để cấp cho khách hàng công nghiệp giai đoạn 2023 - 2027 phù hợp với tình hình thị trường LNG quốc tế và nhu cầu thị trường trong nước; hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai công tác lựa chọn nhà cung cấp, thu xếp nguồn LNG phục vụ cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 phù hợp với lộ trình đàm phán các thỏa thuận thương mại liên quan (GSA, PPA) và tiến độ nhận khí; tiếp tục tìm kiếm khách hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ LNG và gia tăng hiệu quả khai thác chuỗi dự án LNG của Tổng Công ty Khí Việt Nam.
Tuy nhiên hoạt động nhập khẩu và kinh doanh LNG hiện nay vẫn còn với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, cũng như cơ chế chính sách liên quan vì đây là một lĩnh vực mới tại Việt Nam.
Trong thời gian tới Chính phủ cần xem xét giao cho các doanh nghiệp đủ năng lực, uy tín, kinh nghiệm thực hiện vai trò chủ lực, dẫn dắt để triển khai đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG, ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng kho, cảng nhập khẩu LNG thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí LNG, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. |