TP. Hồ Chí Minh: Người tiêu dùng “nô nức” sắm hàng hiệu tại Flash Sale Holiday Lực đẩy từ các chương trình khuyến mại Hàng loạt siêu thị giảm giá sâu đến 50% các mặt hàng trước ngày 20/10 |
Người Việt tăng chi tiêu cho hàng thiết yếu và sức khỏe
Theo báo cáo thị trường FMCG Việt Nam của Kantar phát hành gần đây, có hơn 1/4 các hộ gia đình vẫn đang đối mặt với khó khăn về tài chính. Sự khó khăn này, theo bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar Việt Nam, bắt đầu từ khoảng nửa cuối năm 2022 cho tới thời điểm hiện nay, tình hình kinh tế có nhiều sự biến động (tích cực và tiêu cực).
Quý 3 vừa qua, dù tín hiệu kinh tế đã ổn định hơn nhưng tâm lý lo ngại về công việc và thu nhập vẫn tồn tại, người dùng vẫn cắt giảm chi tiêu để đầu tư vào những giá trị cốt lõi như hàng hoá thiết yếu và tập trung chăm sóc sức khỏe.
Người tiêu dùng cân nhắc mua hàng khi có các chương trình khuyến mãi |
Thống kê dữ liệu của Payoo cho thấy, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh đang có tốc độ tăng trưởng khá. Giao dịch tại quầy của nhóm này tăng trưởng 14% về số lượng và 20% về giá trị so với quý trước, và tăng gần 40% về cả số lượng và giá trị kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, các giao dịch trực tuyến giảm 12% và số lượng và 11% về giá trị so với quý trước. Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh không còn duy trì mua trực tuyến như thời điểm sau dịch mà trở lại mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.
Một trong những nguyên nhân của tình hình khởi sắc nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi có thể xuất phát từ chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ từ 10% xuống 8% từ 1/7/2023, các chính sách bán hàng kích cầu riêng của nhiều doanh nghiệp bán lẻ.
Payoo cũng chỉ ra một trong những xu hướng được ghi nhận từ quý 2 và tiếp tục duy trì đến nay là người dân quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe. Trong quý 3, lượng giao dịch ở nhóm các sản phẩm wellness, dược phẩm, thực phẩm chức năng tăng 42% so với quý trước trên kênh online, và tăng 20% trên kênh POS tại quầy. Cùng với đó, lượt mua các gói chạy, đạp xe với các đối tác giải thể thao, chạy bộ cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt.
Đi ngược dòng với nhóm sản phẩm dịch vụ thiết yếu, các nhóm sản phẩm dịch vụ không thiết yếu đều giảm nhiệt. Cụ thể, nhóm gym và fitness, làm đẹp, spa, mỹ phẩm giảm khoảng 10 - 20% về cả số lượng và giá trị so với quý trước.
Khuyến mãi được săn đón
Mặc dù tăng trưởng của một số nhóm ngành trong quý 3 là đáng ghi nhận nhưng có thể nhìn thấy xu hướng tìm kiếm mặt hàng giá rẻ hơn vẫn duy trì ở nhiều nhóm ngành (ngoại trừ ngành F&B), khi số lượng giao dịch tăng đáng kể nhưng giá trị giao dịch chỉ tăng nhẹ, không tăng hoặc giảm nhẹ. Chính xu hướng tiết kiệm chi tiêu, cùng với sự phát triển của nhiều nền tảng mua sắm, người dùng được tiếp cận cùng một sản phẩm với đa dạng nhà bán hàng nên đã hình thành thói quen so sánh giá giữa nhiều nhà cung cấp và tích cực tìm kiếm các ưu đãi để chọn một mức giá hời hơn cả.
Cụ thể, báo cáo của Kantar cho thấy 49% người tiêu dùng tham khảo nhiều cửa hàng để tìm kiếm chương trình ưu đãi hấp dẫn trước khi quyết định mua hàng. Khuyến mãi cũng đang trở thành động lực kích thích tiêu dùng và là lý do để người dùng chờ đợi khi muốn sở hữu một món đồ mới.
Trước những thay đổi trên, khi nói về hướng kinh doanh sắp tới mà doanh nghiệp nên chú trọng, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar Việt Nam khuyến cáo: Doanh nghiệp cần suy nghĩ tới việc cân đổi danh mục sản phẩm của công ty mình, để vẫn có những sản phẩm thu hút người tiêu dùng, cho người ta vẫn chi tiền, sản phẩm cần thiên về tốt cho sức khỏe, thêm nhiều giá trị và có tính cá nhân hóa cao hơn. Ngoài ra, vẫn phải có những hoạt động kích cầu, có những sản phẩm để duy trì người tiêu dùng lúc họ khó khăn, để tiếp tục giữ họ là một khách hàng trung thành trong tương lai.
Giảm giá luân phiên theo nhóm hàng là cách nhiều thương hiệu thu hút người tiêu dùng |
Doanh nghiệp đang nắm bắt ra sao?
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op, việc khuyến mãi hiện nay là một góc độ cần làm trong lúc thị trường đang khó khăn để kích thích chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên để thu hút khách hàng, bên cạnh khuyến mãi theo từng ngành nghề cụ thể, cần có hoạt động khác để kết hợp các ngành nghề với nhau. Ví dụ bán lẻ với du lịch, bán lẻ với các ngành nghề văn hóa khác để tạo giá trị cộng hưởng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Về phía Saigon Co.op, liên tục trong suốt thời gian qua nhà bán lẻ này đã chủ động thực hiện đều hàng loạt chương trình khuyến mãi “đậm” cho nhiều ngành hàng từ hóa mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm công nghệ, đồ gia dụng… cho tới các sản phẩm thực phẩm tươi sống.
Trong kế hoạch kinh doanh cuối năm, nhà bán lẻ này cho biết sẽ có những chương trình giảm giá luân phiên từ nay đến tết Nguyên đán cho người tiêu dùng. Mức giá giảm linh hoạt từ 30-50% và các đợt giảm giá sẽ được chia theo từng nhóm hàng để người tiêu dùng dễ dàng mua sắm.
Trong khi đó, với nhà sản xuất, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Phúc Sinh cho biết, năm nay, các sản phẩm giỏ quà tết của doanh nghiệp này sẽ giảm giá khoảng 40% nhưng chất lượng sẽ không đổi. Ví dụ như giỏ quà 4 mùa, trước đây Phúc Sinh bán khoảng hơn 500 nghìn đồng nhưng năm nay chỉ bán hơn 300 nghìn đồng.
Đi cùng xu thế này, các ngân hàng, ví điện tử cũng liên tục tung ra các chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích các hình thức thanh toán không tiền mặt. Đơn cử như Payoo, nhờ có nền tảng công nghệ được cấu hình sẵn sàng, Payoo có lợi thế đặc biệt là có thể triển khai ngay các chương trình khuyến mãi khi đối tác có ý tưởng, giúp đối tác tiết kiệm thời gian chuẩn bị, đặc biệt là khi xây dựng những chương trình đột xuất. Theo tiết lộ của Payoo, từ đầu năm đến nay, Mastercard, Napas, VPBank đã tổ chức nhiều chương trình ưu đãi cho thanh toán thẻ, thanh toán không tiếp xúc tại các đối tác của Payoo và ghi nhận những kết quả khả quan. Tiêu biểu, trong thời gian diễn ra chương trình ưu đãi của Mastercard, lượng giao dịch tại cửa hàng F&B tăng 15%, tại các cửa hàng tiện lợi tăng từ 25 - 43% so với thời điểm thông thường.
Trong kế hoạch sắp tới, các ví điện tử cho biết sẽ tiếp tục kết hợp cùng các đối tác là doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất… khuyến mãi cho người tiêu dùng khi thanh toán bằng quét mã QR Code, thanh toán không tiếp xúc… Qua đó góp phần kích cầu mua sắm và thúc đẩy kinh doanh trong giai đoạn cuối năm.