Các sản phẩm mỹ nghệ được làm từ cói Nga Sơn |
Bếp bênh nghề cói
Câu ca "chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng…" đã đi vào tiềm thức của người Việt. Nhưng nay, do thị trường đầu ra thu hẹp, việc duy trì nghề truyền thống này của người dân Nga Sơn đang là "bài toán" khó giải.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Nga Sơn, năm 2018, diện tích trồng cói trên địa bàn huyện đã xuống thấp mức kỷ lục, phản ánh đúng thực trạng khó khăn trong nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng tại địa phương. Ông Dương Đình Dịu - Chủ tịch Hiệp hội Chiếu cói Thanh Hóa - cho rằng, nguyên nhân là do giá mặt hàng này giảm sâu, không mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng cói và nghề cói. Đặc biệt, những năm trước, thị trường chiếu cói xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc bị khép lại hoặc bị ép giá, xuất khẩu theo đường chính ngạch chi phí quá cao. Trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu cói của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống trong nước lại quá ít… dẫn đến sự điều chỉnh cơ cấu cây trồng trong chính sách địa phương. "Trồng cói gắn với chế biến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói vẫn mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa, nhưng khúc mắc là phải tìm được đầu ra cho sản phẩm" - ông Dịu nói.
Gần đây, xuất khẩu các sản phẩm từ cói sang Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng việc thu mua cói nguyên liệu lại trở lên khó khăn hơn do diện tích đã bị thu hẹp và lực lượng lao động đã dịch chuyển sang ngành nghề khác. Để xoay xở giữ gìn nghề truyền thống, chính quyền huyện Nga Sơn và hàng chục làng nghề làm chiếu đã phải tìm hướng đi mới cho cây cói, với việc đa dạng hóa các sản phẩm từ cói và tìm kiếm thị trường cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Trong suốt thời gian qua, chủ trương giảm diện tích trồng cói chính là tạo ra phép lọc, định hướng cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguyên liệu cói phải có trách nhiệm với người nông dân, để từ đó nâng cao giá trị của cây cói…
Nghề cót ép mai một
Sản xuất cót ép là nghề truyền thống của người dân xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân từ nhiều đời nay. Gần đây, do nhu cầu sử dụng sản phẩm này có sự thay đổi nên thị trường ngày càng bị thu hẹp, nhiều người phải bỏ nghề, tìm hướng mưu sinh khác, nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một.
Cót ép là nghề truyền thống của người dân trong xã, đây cũng là nguồn thu nhập tương đối khá của bà con trước kia. Tuy nhiên, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh và được người tiêu dùng lựa chọn không hề đơn giản. Khoảng hơn chục năm trở về trước, gần như gia đình nào trong xã cũng phát triển nghề cót ép. Thời kỳ "hoàng kim" của nghề tiểu thủ công nghiệp này mỗi ngày đều có gần chục xe ôtô tải chở vầu, nứa từ các huyện miền núi về xã cho các hộ làm nguyên liệu sản xuất cót ép. Ông Lý Đình Sỹ - Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thọ Xuân - cho hay, trước kia, sản phẩm cót ép cung cấp chủ yếu cho thi công các công trình, nay ngành này đã có thiết bị thay thế. Do đó, trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng sản phẩm cót ép không còn nhiều. Bên cạnh đó, các sản phẩm gia dụng được thay thế bằng các sản phẩm làm từ nhựa ngày càng phổ biến, khiến nhu cầu về sản phẩm cũng giảm xuống.
Hai câu chuyện về những nghề truyền thống lâu đời tại Thanh Hóa đang loay hoay tìm lối thoát cần có lời giải cụ thể mang tính bền vững. Điều người dân địa phương đang rất cần sự hỗ trợ tích cực bằng các chính sách cụ thể, cùng với cơ chế "mở", giúp người dân có cuộc sống ổn định và gắn bó với nghề truyền thống cha ông để lại. |