Sáng ngày 13/7, thảo luận tại hội trường trong Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho rằng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý một số vụ việc khai thác khoáng sản trái phép nhưng tình trạng này vẫn chưa dứt điểm.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho rằng, vấn đề xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép chưa dứt điểm |
"Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. Một số vụ việc được công an tỉnh xử lý mang tính chất răn đe, nhưng tình trạng khai thác đất, cát sỏi trái phép vẫn diễn ra", ông Hoàng Quốc Việt nói.
Theo quy định của Luật Khoáng sản 2010, vấn đề quản lý khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vì vậy, “Trong thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác này; các sở, ngành cũng đã tăng cường công tác kiểm tra để xử lý, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn….”, ông Hoàng Quốc Việt nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận này, ý kiến của đại biểu huyện Nghi Lộc về tình trạng khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến môi trường, ông Hoàng Quốc Việt thông tin, trên địa bàn Nghi Lộc đang có 2 mỏ khai thác đất.
Đối với mỏ Rú Rím (xã Nghi Yên), trước đây cấp cho công ty khác, nhưng sau này thực hiện ý kiến chỉ đạo thì Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh cấp lại cho Công ty TNHH VSIP Nghệ An để thực hiện san lấp mặt bằng khu công nghiệp ở Diễn Châu. Sau khi hết thời gian khai thác, công ty sẽ khắc phục phục hồi môi trường, theo đề án ĐTM đã được Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam phê duyệt.
Còn với mỏ sinh thái của Công ty Tân Nam để phục vụ san lấp dự án đường cao tốc Bắc - Nam và dự án đường ven biển. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, huyện Nghi Lộc yêu cầu công ty trong quá trình khai thác đảm bảo công tác môi trường; sau khi hết thời gian khai thác thì yêu cầu tổ chức phục hồi môi trường theo quy định.
Cát không rõ nguồn gốc được lực lượng chức năng Nghệ An thu giữ thời gian qua |
Nhiều vấn đề được đại biểu ở các huyện miền núi địa phương này quan tâm xoay quanh việc tận thu khoáng sản. Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình: Có một số địa phương đã đề nghị uỷ quyền cho cấp huyện, hoặc cho dân khai thác đất vườn đồi, khai thác cát sỏi bãi bồi ven sông để xây dựng các công trình dân sinh. Tuy nhiên, theo Luật Khoáng sản 2010, thẩm quyền cấp phép là của Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh.
"UBND tỉnh chỉ cấp phép đối với các loại khoáng sản vật liệu thông thường, chứ không được uỷ quyền cho cấp huyện, cấp xã cấp phép khai thác khoáng sản".
Về vấn đề này ông Hoàng Quốc Việt thông tin, “Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo vấn đề này và hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện sửa đổi Luật Khoáng sản 2010 và có kiến nghị đưa nội dung này vào dự thảo, qua đó tạo điều kiện cho các địa phương có nguyên vật liệu xây dựng công trình dân sinh...”.
Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt báo cáo, trên cơ sở giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, ngày 30/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 85 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng.
"Lúc tổng hợp để thực hiện Quyết định 28 của UBND tỉnh thì các địa phương báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường là có 11.949 trường hợp cấp đất trái thẩm quyền. Tuy nhiên, khi tổng hợp từ các huyện để xây dựng Kế hoạch 85 thì có gần 15.000 trường hợp, tăng hơn 4.000 trường hợp", ông Việt nói và cho biết thêm, theo Kế hoạch 85 thì có đến 47.680 trường hợp đất tồn đọng phải giải quyết.
"Đây là tồn tại lịch sử rất lâu, có nhiều trường hợp đã hàng chục năm, nhà ở thì xây dựng lâu rồi, nhưng người dân không có hoá đơn chứng từ, chính quyền địa phương cũng không lưu lại hoá đơn chứng từ để chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân với Nhà nước", ông Việt nói.
Cũng tại phiên này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, 6 tháng đầu năm, UBND cấp huyện thực hiện chỉ tiêu này đạt thấp, chỉ mới gần 5%.
"Trong thời gian tới, đề nghị các huyện bám sát kế hoạch của UBND tỉnh để chỉ đạo thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập các đoàn để kiểm tra, hướng dẫn, xử lý vướng mắc cho các địa phương. Đồng thời tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các huyện. Đối với đất đô thị, dự án bất động sản, nhà chung cư, Sở sẽ cố gắng hoàn thành chỉ tiêu mà UBND tỉnh giao, đảm bảo đạt 65-80% theo kế hoạch đề ra", ông Hoàng Quốc Việt thông tin thêm.