9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp Quảng Nam tăng 15,7% Thừa Thiên Huế: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá |
Doanh nghiệp thích ứng linh hoạt trước biến động của thị trường
Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp của địa phương trong 9 tháng đầu năm 2024, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết: Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024, ngành Công Thương tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn, thách thức, do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong những kết quả đã đạt được, thì sản xuất công nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc.
Năm 2024, tỉnh Nghệ An xác định là năm “tăng tốc, bứt phá và về đích” để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Trong đó, tỉnh Nghệ An xác định, phát triển sản xuất công nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Doanh nghiệp ngành dệt may ở Nghệ An đón nhận nhiều tín hiệu vui khi có thêm nhiều đơn hàng lớn từ các đối tác nước ngoài. Ảnh: Sở Công Thương Nghệ An. |
Theo đó, trong 9 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh Nghệ An có chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp từng bước phục hồi, đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Cụ thể, 9 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 80.895 tỷ đồng, tăng 16,58 % so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,64% so với cùng kỳ năm 2023. Sản phẩm các nhóm ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản: Khai thác đá xây dựng ước đạt 4.200 nghìn m3 , tăng 81,75%/9 tháng năm 2023 và đạt 72%/KH năm 2024.
Đối với công nghiệp chế biến, chế tạo, như bia các loại, do hoạt động du lịch đã phát triển trở lại, bên cạnh đó áp lực lạm phát và cắt giảm chi tiêu nên giá thành rẻ là cơ hội để các loại bia nội tỉnh cạnh tranh với các lại bia nhập khẩu và các dòng bia cao cấp ước đạt 185 triệu lít, tăng 105%/9 tháng đầu năm 2023 và đạt 70,27%/KH năm 2024.
Bên cạnh đó, hai Nhà máy TH Truemilk và Vinamilk đều duy trì tốt thị trường tiêu thụ và phát huy tốt các dây chuyền mới mở rộng nên 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 260 triệu lít, tăng 55,04%/9 tháng đầu năm 2023, đạt 74,29% KH năm 2024; giá đường thế giới tăng cao, nguồn cung đường từ Ấn Độ và Thái Lan giảm mạnh, năng suất mía tăng lên và diện tích vùng nguyên liệu mía được giữ ổn định nên 9 tháng ước đạt 101.176 tấn, tăng 19,84%/9 tháng đầu năm 2023 và đạt 60,31%/KH năm 2024.
Ngoài ra, một số nhà máy như: Nakano, Koyu Textile, Matsouka Thanh Chương, Gaiwat Việt Nam đã đi vào hoạt động ổn định. Tại các doanh nghiệp như: Minh Anh Kim Liên, Hi-Tex, Sangwoo, Woin Vina,... đơn hàng tăng và ổn định nên 9 tháng đầu năm 2024 quần áo các loại ước đạt trên 80 triệu sản phẩm, tăng 76,1%/9 tháng đầu năm 2023, đạt 66,67%/KH năm 2024.
Mặt hàng linh kiện điện tử có sự tăng trưởng vượt bậc. Sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô ước tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 do các dự án sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, các dự án mới đi vào hoạt động 9 tháng đầu năm 2024 bắt đầu sản xuất sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam mở rộng dây chuyền sản xuất, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị chính xác Goertek đi vào hoạt động chạy thử.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện dự báo thị trường thế giới còn diễn biến phức tạp, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Nghệ An ước tăng 10,64% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Sở Công Thương Nghệ An. |
Theo đó, tỉnh Nghệ An hỗ trợ các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,… đẩy nhanh tiến độ đầu tư sớm đưa các dự án dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động trong năm 2024, để đóng góp năng lực sản xuất mới tăng thêm của ngành công nghiệp. Cụ thể, Khu công nghiệp VSIP: Công Ty TNHH Innovation Precision (Việt Nam) sản xuất hợp kim nhôm 100.000 tấn/năm (dự kiến Quý IV/2024), Công Ty TNHH JTEC Nghệ An sản xuất bộ dây cáp ô tô 417.734 sản phẩm/năm (dự kiến Quý IV/2024), Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Everwin Precision Việt Nam giai đoạn 1 với 270 triệu sản phẩm/năm (dự kiến tháng 11/2024); Công Ty TNHH KHKT Luxvisions Innovation (Nghệ An) sản xuất cụm camera (dự kiến Quý IV/2024), Công Ty TNHH Công Nghệ Kersen (dự kiến Quý IV/2024). KCN Hoàng Mai I: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng giai đoạn I 32 triệu sản phẩm/năm (dự kiến Quý IV/2024). KCN WHA: Công Ty TNHH Giai Âm sản xuất linh kiện điện tử (dự kiến cuối tháng 9/2024); Dự án Sunny Automotive Quang học Vina của Tập đoàn Sunny chuyên sản xuất, gia công linh kiện quang học, lắp ráp mô-đun camera, camera điện thoại di động, camera ô tô và các thiết bị điện tử khác với công suất 60 triệu sản phẩm/năm (dự kiến tháng 12/2024); Dự án Nhà máy Khoa học kỹ thuật kim loại Tân Việt của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật kim loại Tân Việt bao gồm một dây chuyền sản xuất băng thép không gỉ chất lượng cao bề mặt 300 2B sản lượng 180.000 tấn/năm; 01 dây chuyền sản xuất băng thép không gỉ chất lượng cao bề mặt 300, 400 BA sản lượng (dự kiến Quý IV/2024). KCN Nam Cấm: Nhà máy cơ khí công nghệ cao Siba Nghệ An gia công cơ khí: 800-1000 tấn/tháng (dự kiến tháng 11/2024); Nhà máy sản xuất, gia công các SP giày dép Viet Fast tại xã Bắc Thành, Huyện Yên Thành 8 triệu sản phẩm/ năm (Quý IV/2024); các nhà máy thủy điện: Châu Thôn – 29,8 MW, Suối Choang - 4 MW, Bản Mồng - 45 MW,…
Chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tập trung phát triển các vùng nguyên liệu đảm bảo đầu vào ổn định cho các nhà máy chế biến đường, nhà máy chế biến gỗ, chế biến chè, chế biến sữa, chế biến cá hộp,…. Khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, hạ tầng dịch vụ logistics và hỗ trợ tín dụng đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến.
Tỉnh Nghệ An phát triển sản xuất công nghiệp làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, như: Hướng dẫn, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin xuất, nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm; Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, gặp gỡ các tham tán thương mại để khai thác thị trường mới; Ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá và phát triển thương hiệu. Thúc đầy phát triển các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ nội địa, đẩy mạnh giải ngân các gói đầu tư công,… để kích cầu các sản phẩm công nghiệp của tỉnh.
Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất thông qua chính sách khuyến công; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để tham gia cao hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị. Tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp, ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho vay đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa.
Vận động các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai các phương án giảm lãi hoặc cho vay không lãi suất các khoản mà doanh nghiệp dùng trả lương cho công nhân. Hỗ trợ các doanh nghiệp điện tử, dệt may, da giày trong công tác tuyển dụng lao động cho các dự án chuẩn bị hoàn thiện đi vào hoạt động. Khẩn trương hoàn thiện nhà ở xã hội và một số công trình hạ tầng phúc lợi phục vụ nhu cầu đời sống của công nhân làm việc ở các khu công nghiệp.