Dịp Tết chơi hoa, cây cảnh gì để may mắn? Ấm áp chợ quê ngày giáp Tết |
Năm Quý Mão sắp qua và năm Giáp Thìn sắp đến. Mỗi năm Tết đến, mỗi chúng ta đều cảm thấy mới lạ, bâng khuâng. Từ "Tết" đã gieo vào lòng mỗi người dân Việt Nam dù ở quê hương hay ở phương trời xa xứ những cảm xúc thật thiêng liêng, khó tả:
Tết chẳng riêng ai, Tết mọi nhà
Quê hương, làng xóm, ông bà, tổ tiên
(Ca dao)
Theo các nhà ngôn ngữ, Tết là hiện tượng biến âm đọc chệch từ Tiết, như ta thường nói tiết Thanh minh, tiết Đoan ngọ, tiết Lập xuân... Đấy là các tiết mùa trong năm (một năm được chia thành 24 tiết).
Sau này, ta còn có các Tiết liên quan tới các dịp cúng lễ, vui mừng, sum họp... như Tiết Nguyên Đán, Tiết Nguyên tiêu, Tiết Đoan Ngọ.
Tết Nguyên Đán quen thuộc của chúng ta là "ngày Tết đón buổi sáng đầu năm mới (nghĩa gốc Hán Việt: Nguyên là khởi đầu, đán là buổi sáng)." Tết quen thuộc, gần gũi và máu thịt đến nỗi chỉ cần nói một từ Tết thôi là chúng ta hiểu ngay đó chính là Tết Nguyên Đán.
Trước đây, mỗi khi Tết đến, Bác Hồ thường mở đầu một năm mới bằng lời chúc Tết đồng bào với những dòng thơ chứa chan ân tình, như một lời khuyên, lời nhắc nhở và hơn nữa, như một lời hiệu triệu người dân Việt Nam bước vào một năm mới với niềm tin và trách nhiệm mới.
Dân tộc Việt Nam dù khó khăn, hoàn cảnh đến mấy, khi Tết đến cũng phải lo sắm sửa dăm ba chiếc bánh chưng, gói một hai chiếc giò, hoặc làm các loại bánh dầy, bánh mật, bánh khúc, hay sắm mâm ngũ quả... để bày trên bàn thờ tổ tiên mà cúng lễ, thể hiện tấm lòng của con cháu đối với gia tiên và trời đất.
Ăn Tết là thưởng thức hương vị Tết, chủ yếu là về mặt vật chất. Chúc Tết là chúc tụng, chúc cho anh em bè bạn mở đầu một năm mới với tràn đầy sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Vì vậy, ta mới có thành ngữ "vui như Tết" với hàm ý Tết là niềm vui lớn nhất, đặc biệt nhất, khó có niềm vui nào sánh bằng.
Cùng với tranh (tranh dân gian, câu đối), hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu Xuân.
Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có hoa Mai, hoa đào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài cành đào, cành Mai, ngày Tết người ta còn mua thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...
Ở nước ta, vào dịp đầu Xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ. Ngày Tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.
Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sỹ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hanh thông, làm ăn suôn sẻ.
Sau ngày mùng Một, dù có vui Tết cũng chọn ngày "Khai nghề," "Làm lấy ngày." Nếu như mùng Một tốt thì chiều mùng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu.
Người thợ thủ công nếu chưa ai đặt hàng đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi Xuân.
Đến giờ phút trừ tịch, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn. Các chùa chiền cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay. Ngày nay, ở các tư gia người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa nhưng bàn thờ thì giản tiện hơn, thường đặt ở ngoài sân hay trước cửa nhà.
Nhân dân ta ngày Tết thường có những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau: "Năm mới xin chúc gia đình ta mạnh khoẻ, cố gắng làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái"; "Chúc anh chị năm nay sinh cháu cho ông bà có cháu bế cháu bồng;" "Chúc cháu phấn đấu làm sao thi vào đại học"... Những lời chúng Tết không hề viển vông mà gắn liền với cuộc sống, với những khát vọng thường nhật của con người.
Tết Nguyên Đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.
Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niệm "Ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhớ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng ...
Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Tết Nguyên Đán trước hết là tết của gia đình. Chiều 30 tết, nhà nhà làm lễ cúng "rước" gia tiên và gia thần, thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn.
Kính cẩn thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên trong lễ cúng Tất niên. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN) |
Trong 3 ngày Tết diễn ra 3 cuộc gặp gỡ lớn ngay tại một nhà. Thứ nhất là cuộc "gặp gỡ" của các gia thần: Tiên sư hay Nghệ sư-vị tổ đầu tiên dạy nghề gia đình mình đang làm. Thổ công-thần giữ đất nơi mình ở và Táo quân-thần coi việc nấu ăn của mọi người trong nhà.
Thứ hai là cuộc "gặp gỡ" tổ tiên, ông bà... những người đã khuất. Nhân dân quan niệm hương hồn người đã khuất cũng về với con cháu vào dịp Tết.
Thứ ba là cuộc gặp gỡ của những người trong nhà. Như một thói quen linh thiêng và bền vững nhất, mỗi năm tết đến, dù đang ở đâu làm gì... hầu như ai cũng mong muốn và cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình.
Tết Nguyên Đán bắt đầu từ lúc Giao thừa. Lẽ trời đất có thủy khởi phải có tận cùng, một năm đã bắt đầu ắt phải có hết, bắt đầu từ lúc giao thừa, cũng lại hết vào lúc giao thừa. Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ mới này, có lễ Trừ Tịch.
Những phong tục trong dịp Tết Nguyên đán
Cúng giao thừa ngoài trời
Ngày xưa quan niệm rằng mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một người có trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng kém cỏi, tham lam... thì hạ giới chịu mọi thứ khổ.
Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ. Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã, thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Vì cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phù hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt.
Các chùa chiền cũng có cúng lễ giao thừa, nhưng lễ vật và đồ chay, đồng thời với lễ giao thừa nhà chùa còn cúng Phật, tụng kinh và cúng đức Ông tại chùa.
Một mâm cơm cúng giao thừa tại một gia đình trên phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Đức/ TTXVN) |
Ở các tư gia, các gia trưởng thường lập bàn thờ ở giữa sân, hoặc ở trước cửa nhà, trường hợp những người ở thành phố không có sân, cũng một chiếc hương án, hoặc một chiếc bàn kê ra với lễ vật như trên.
Ngày nay, ở thôn quê, rất ít nơi còn cúng lễ giao thừa ở các thôn xóm, ngoài lễ cúng tại đình đền. Và ở các tư gia, tuy người ta vẫn cúng lễ giao thừa với sự thành kính như xưa, nhưng bàn thờ thì giản tiện hơn. Có khi chỉ là chiếc bàn con với mâm lễ vât, có khi lễ vật được đặt trên một chiếc ghế đẩu. Hương thắp lên được cắm vào một chiếc ly đầy gạo hoặc vào một chiếc lọ nhỏ để giữ chân hương. Có nhiều gia đình hương thắp đặt ngay trên mâm lễ, hoặc cắm vào các khe nải chuối dùng làm đồ lễ.
Lễ chùa, đình, đền:
Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Và nhân dịp này người ta thường xin quẻ đầu năm.
Kén hướng xuất hành:
Khi đi lễ, người ta kén giờ và kén hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp sự may mắn quanh năm. Ngày nay, người ta đi lễ nhưng ít người kén giờ và kén hướng.
Hái lộc:
Đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong, lúc trở về người ta có tục hái một cành cây mang về ngụ ý là lấy lộc của Trời đất Phật Thần ban cho. Trước cửa đình cửa đền, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ, cành lá xum xuê, khách đi lễ mỗi người bẻ một nhánh, gọi là cành lộc. Cành lộc này mang về người ta cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.
Người dân chọn mua mía kèm túi diêm và muối để lấy may đầu năm. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
Với tin tưởng lộc hái về trong đêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm, người Việt Nam trong buổi xuất hành đầu năm bao giờ cũng hái lộc. Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn.
Về tục xuất hành cũng như tục hái lộc có nhiều người không đi trong đêm giao thừa, mà họ kén ngày tốt giờ tốt trong mấy ngày đầu năm và đi đúng theo hướng chỉ dẫn trong các cuốn lịch đầu năm để có thể có được một năm hoàn toàn may mắn.
Xông nhà:
Thường cúng giao thừa ở nhà xong, người gia chủ mới đi lễ đền chùa. Gia đình có nhiều người, thường người ta kén một người dễ vía ra đi từ lúc chưa đúng giờ trừ tịch, rồi khi lễ trừ tịch tới thì dự lễ tại đình chùa hoặc ở thôn xóm, sau đó xin hương lộc hoặc hái cành lộc về.
Lúc trở về đã sang năm mới, người này đã tự xông nhà cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Đi xông nhà như vậy tránh được sự phải nhờ một người tốt, vía khác đến xông nhà cho mình.
Nếu không có người nhà dễ vía để xông nhà lấy, người ta phải nhờ một người khác trong thân bằng cố hữu tốt vía để sớm ngày mồng một Tết đến xông nhà, trước khi có khách tới chúc Tết, để người này đem lại sự may mắn cho gia đình.
Tục kiêng hốt rác đổ đi trong ba ngày Tết:
Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyên, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, Âu Minh đánh Như Nguyên, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó có tục kiêng không dám hốt rác ngày Tết.
Tục kiêng này nguyên từ bên Tàu. Vì kiêng hốt rác ba ngày Tết nên ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu, người ta cũng phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và những ngày Tết thì mọi người hết sức giữ gìn nhà cửa, không vứt rác bừa bãi.
Theo cách tính của người xưa, ngày mùng Một tháng Giêng ứng vào gà, mùng Hai-chó, mùng Ba-lợn, mùng Bốn-dê, mùng Năm-trâu, mùng Sáu-ngựa, mùng Bảy-người, mùng Tám-lúa.
Trong 8 ngày đầu năm cứ ngày nào sáng sủa thì coi như giống thuộc về ngày ấy cả năm được tốt. Vì vậy, đến mùng Bảy, thấy trời tạnh ráo thì người ta tin cả năm mọi người sẽ gặp may mắn, hạnh phúc.
Mùng Bảy kết thúc Tết Nguyên Đán thì cũng là lúc bắt đầu Tết Khai hạ-Tết mở đầu ngày vui để chào mùa Xuân mới.
Tết Thượng nguyên (Tết Nguyên tiêu) vào đúng rằm tháng Giêng-ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa chiền vì Rằm tháng Giêng còn là ngày vía của Phật tổ.
Thành ngữ: "Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" xuất phát từ đó. Trong dịp này, chùa nào cũng đông người tới lễ bái. Sau khi đi chùa, mọi người về nhà họp mặt cúng gia tiên và ăn cỗ.
"Hàn thực" nghĩa là ăn đồ nguội. Tết này, vào ngày mùng Ba tháng Ba (âm lịch). Thời Xuân Thu ở Trung Quốc, Công tử Trùng Nhĩ (về sau là vua Tấn Văn Công) khi gặp cảnh loạn lạc, đói quá, được Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình nấu dâng cho ăn. Sau 19 năm phiêu bạt, Trùng Nhĩ lại trở về nắm giữ vương quyền nước Tấn. Vua ban thưởng cho tất cả những người đã cùng mình nếm mật nằm gai, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi!
Giới Tử Thôi đưa mẹ vào sống ở núi Điền. Lúc vua nhớ ra, cho người tới mời mà không được. Vua sai đốt rừng để Giới Tử Thôi phải ra. Nhưng Giới Tử Thôi không chịu và hai mẹ con cùng chết cháy! Đau xót, vua sai lập miếu thờ trên núi. Hôm ấy đúng ngày mùng Ba tháng Ba. Người đời thương Giới Tử Thôi nên mỗi năm, đến ngày đó thì kiêng đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn
Nặn bánh trôi, bánh chay ngày Tết Hàn thực. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN) |
Từ thời nhà Lý (1010-1225) nhân dân ta đã tiếp nhập Tết này và thường làm bánh trôi, bánh chay để thay cho đồ nguội. Nhưng mục đích chủ yếu là để cúng gia tiên chứ nhiều người chưa biết chuyện Giới Tử Thôi. Hiện nay, Tết này vẫn còn khá đậm nét ở miền Bắc, nhất là tại các vùng thuộc tỉnh Hà Tây.
"Thanh Minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh"
(Truyện Kiều)
Thanh Minh là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người Phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa.
Khi tiết Xuân Phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết Thanh Minh (thường bắt đầu trong tháng Ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm).
Trong dịp Tết Thanh Minh người ta đi thăm mồ mả của những người thân. Tết Thanh Minh trở thành lễ tảo mộ. Đi thăm mộ, nếu thấy cỏ rậm thì phát quang, đất khuyết lở thì đắp lại cho đầy... rồi về nhà làm cỗ cúng gia tiên.
Khuất Nguyên-nhà thơ, một vị trung thần-do can ngăn vua Hoài Vương (Trung Quốc) không được, đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm ấy đúng là mùng Năm tháng Năm. Thương tiếc Khuất Nguyên, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên.
Ở Việt Nam, ít người biết chuyện Khuất Nguyên, mà chỉ coi mùng Năm tháng Năm là "Tết giết sâu bọ"-vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh.
Rượu nếp là món không thể thiếu trong mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
Các loại hoa quả như mận, vải được người dân mua nhiều để cúng Tết Đoan ngọ bởi theo quan niệm xưa, các loại quả này có chức năng diệt sâu bọ tốt. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh. Lấy lá ngải cứu (một vị thuốc Nam), năm nào thì kết hình con vật tượng trưng năm đó (năm Thân-kết con khỉ và gọi là Hầu Tử, năm Dần-kết con cọp và gọi là Ngài Hổ...) treo lên giữa nhà để trừ tà. Về sau, khi có bệnh, lấy lá đó sắc làm thuốc.
Lại có tục đi hái lá thuốc mồng năm (ích mẫu, mâm xôi, cối xay, vối) sắc uống vào giờ Ngọ, còn để dành nấu uống quanh năm.
Tết Trung Nguyên vào Rằm tháng Bảy. Người xưa tin theo sách Phật, coi hôm ấy là ngày vong nhân được xá tội, ngày báo hiếu cha mẹ... nên tại các chùa thường làm chay chẩn tế và cầu kinh Vu lan. Vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch có 2 ngày lễ cúng:
- Lễ cúng được truyền tụng lâu đời trong dân gian: "Tháng 7, ngày rằm xá tội vong nhân" (tha tội cho tất cả người chết), nhiều người gọi là cúng cô hồn các đảng. Quan niệm dân gian cho rằng đây là lễ cúng những linh hồn vật vờ lang thang không nơi nương tựa, không còn người thân ở trần gian để thờ phụng hoặc thất lạc, hoặc vì một oan khiên nào đó... Người ta cũng thả chim lên trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức.
Một mâm cúng lễ Vu Lan của người dân trên phố Lương Ngọc Quyến. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
Một mâm cúng chúng sinh trong lễ Vu Lan. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
Một gia đình trên phố Lương Ngọc Quyến làm lễ cúng trong lễ Vu Lan. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
Người dân thành tâm cầu khấn tại chùa Phúc Khánh trong lễ Vu lan. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
- Cũng ngày Rằm tháng Bảy còn có lễ Vu lan, xuất phát từ tích truyện Đại Mục Kiều Liên. Vu lan được coi là lễ cầu siêu giải thoát cho ông bà cha mẹ bảy đời, xuất phát từ lòng báo hiếu. Trong những năm gần đây, trong lễ Vu lan còn có tục "Bông Hồng cài áo" thể hiện lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ.
Tết Trung Thu vào Rằm tháng Tám. Trung thu là Tết của trẻ con nhưng người lớn cũng nhân đây họp mặt, uống rượu, uống trà, ngắm trăng... Thường ban ngày người ta làm lễ cúng gia tiên, tối mới bày hoa quả, bánh kẹo, chè cháo để trẻ con vui chơi, phá cỗ, trông trăng rước đèn... Nhiều nơi còn tổ chức hát trống quân (trai gái hát đối đáp trong tiếng trống đệm nhịp).
Các gian hàng đèn Trung Thu cổ truyền được trưng bày trên phố cổ xưa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) |
Mâm ngũ quả Trung thu của các tổ dân phố phường Cửa Đông, Hà Nội. (Ảnh: Khánh Hòa/ TTXVN) |
Các em nhỏ thích thú đón Tết trung thu 2023. (Ảnh: Khánh Hòa/ TTXVN) |
Mùng Chín tháng Chín (âm lịch) là Tết Trùng cửu. Tết này bắt nguồn từ sự tích của đạo Lão. Thời Hán, có người tên gọi là Hoàn Cảnh, đi học phép tiên. Một hôm thầy dạy phép tiên Phí Tràng Phòng bảo Hoàn Cảnh khuyên mỗi người trong nhà nên may một túi lụa đựng hoa cúc, rồi lên chỗ cao mà trú ngụ. Quả nhiên, ngày Chín tháng Chín có lụt to, ngập hết làng mạc. Nhờ làm theo lời thầy, Hoàn Cảnh và gia đình thoát nạn.
Từ xưa, nho sỹ nước ta đã theo lễ này, nhưng lại biến thành cuộc du ngoạn núi non, uống rượu cúc-gọi là thưởng Tết Trùng dương.
Đây là Tết của các thầy thuốc. Theo sách Dược lễ thì đến ngày Mười tháng Mười, cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời, trở nên tốt nhất. Ở nông thôn Việt Nam, đến ngày đó người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc chứ không quan tâm mấy đến chuyện cây thuốc, thầy thuốc.
Tết Hạ nguyên (Tết Cơm mới) vào Rằm hay mùng Một tháng Mười. Ở nông thôn, Tết này được tổ chức rất lớn vì đây là dịp nấu cơm gạo mới-trước để cúng tổ tiên, sau để tự thưởng công cày cấy.
Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp-người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua.
Theo truyền thuyết, xưa có hai vợ chồng nghèo khổ quá, phải bỏ nhau. Sau đó, người vợ lấy được chồng giàu. Một hôm, đang đốt vàng mã ngoài sân, thấy một người vào ăn xin, nhận ra chính là chồng cũ nên người vợ động lòng, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho. Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ vợ. Người vợ đâm khó xử, lao vào bếp lửa tự vẫn. Người chồng cũ nặng tình, cũng nhảy vào lửa chết theo. Người chồng mới ân hận, đâm đầu vào lửa nốt.
Trời thấy ba người đều có nghĩa nên phong cho họ làm "vua bếp". Từ tích đó mới có tục thờ cúng "Táo quân" và trong dân gian có câu: "Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà."
Người dân chọn mua đồ cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
Người dân thả cá chép, tiễn ông Công, ông Táo về trời. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
Người dân hoá vàng sau lễ cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Vì thế trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo."
Mỗi gia đình thường mua hai mũ ông, một mũ bà bằng giấy và 3 con cá làm "ngựa" (cá chép hóa rồng) để Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và 3 con cá chép được mang thả ở ao, hồ, sông...
Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.