Có một ngôi chợ quê giữa lòng Hà Nội Chợ quê còn lại chút gì! |
Dễ có đến gần chục năm tôi chưa đặt chân vào chợ Chảy (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ở vùng chiêm trũng này, cùng với chợ Bìm, chợ Chảy rất nổi tiếng bởi to và trong ký ức của tôi có gì đó xa xỉ.
So với chợ Chảy xưa, chợ Chảy ngày này đã mở rộng hơn nhiều, được chia khu bán tạp hoá, bán vải và quần áo, bán thực phẩm… riêng biệt khá sạch sẽ và ngăn nắp. Những cửa hàng tạp hoá bày đồ trang trí rực rỡ. Dãy bán hoa tươi đủ màu mơn mởn hút ánh nhìn, những cánh hoa cúc đại đoá vàng tươi còn ngậm vài giọt nước, có lẽ là nước mưa đêm qua còn sót lại; những bó hoa dơn nụ no tròn đang say giấc ngủ, chỉ có vài bông hé sớm, khoe áo đỏ rực rỡ; hoa bướm mong manh lung lay trước gió; hoa ly còn kiêu kỳ chưa mở mắt; hoa thược dược bung nở…
Hoa cúc vàng rực góc chợ |
Trong góc chợ, một vài cành đào hầu hết là bích đào được xếp ngay ngắn đứng cạnh những chậu quất đủ kiểu dáng to nhỏ thu hút lượng lớn người xem. Tiếng trả giá véo von của người mua kẻ bán, tiếng trẻ con nghịch ngợm hò hét chạy quanh, tiếng hô xin tránh đường của bác kéo xe chở hàng… âm thanh có phần hỗn loạn lại có gì đó rất vui vẻ, rất ấm áp.
Cũng như tôi, cô bạn học chung từ thời cấp 1, sau hơn 10 năm bươn trải xa quê mới trở về đón Tết nhà. Im lặng tận hưởng cái rét tăng cường buốt da buốt thịt của miền Bắc, tận hưởng hương vị quê nhà. Cô bạn tôi nói, nhiều năm đón Tết ở đầu kia của đất nước, mỗi năm cô đều đi chợ Tết nhưng không thể tìm được sự ấm áp, thân quen.
Người mua kẻ bán lao xao góc chợ |
Cô nhanh chóng sà vào hàng lá dong nhưng chậm rãi hỏi giá, chậm rãi hỏi cách giữ lá dong sao cho xanh mà mềm để dễ gói. Tôi biết, đêm nay tôi lại được cùng cô canh nồi bánh chưng như thủa xưa rất xưa. Có điều người canh lửa sẽ là chúng tôi chứ không còn là bà tôi với mái tóc bạc phơ, miệng nhai trầu nữa. Và lũ trẻ quấn tròn trong chăn, ngồi chờ ăn khoai nướng sẽ là các con, các cháu của chúng tôi. Rồi chúng cũng sẽ tranh nhau củ to củ nhỏ, tranh ngồi gần bếp lửa rồi cãi nhau ỏm tỏi. Thời gian đúng là không chờ một ai. Ai cũng phải lớn, cũng phải lo toan đối mặt với cơm áo gạo tiền và mỗi năm lại mong mỏi về Tết quê.
Rời hàng lá dong, chúng tôi lại len lỏi sang hàng thịt, hàng gạo nếp, hàng đậu xanh gom mua đủ nguyên liệu để gói bánh. Cô bạn tôi không khỏi cảm khái khi cô bán hàng đưa mã QR cho khách thanh toán và hỏi có cần “ship” về nhà không.
Thật ra, cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, chợ quê của chúng tôi giờ cũng khá hiện đại, có thanh toán không tiền mặt, có dịch vụ giao hàng, thậm chí có cả dịch vụ làm sẵn… Nhất là trong những ngày giáp Tết như thế này luôn có lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát hàng giả hàng nhái… giúp bà con yên tâm đón Tết.
Theo chân cô bạn lùng sục khắp ngóc ngách của chợ Chảy, tay xách túi to túi nhỏ nào là lá dong, gạo nếp, bánh kẹo, hương nhang, cành đào… len lỏi trong dòng người tấp nập, chúng tôi vui như trẻ thơ được quà.
Tranh thủ chọn mua hàng lúc còn sớm |
Rời chợ, với cơ man hàng hoá, niềm mong mỏi đi chợ quê ngày Tết bao năm đã được thực hiện. Vui có nhưng trong lòng tôi vẫn có gì đó trống vắng, cảm giác “không đủ” luôn chờn vờn. Tôi nhớ bà tôi đội khăn mỏ quạ gánh đôi thúng nặng trĩu, bước chân vững chắc thoăn thoắt trên đường đi chợ về, nhớ mùi bếp lửa ấm áp, nhớ tiếng pháo đì đùng đêm 30, nhớ niềm vui được mặc tấm áo mới mà chỉ Tết mới được…
Nỗi nhớ của tôi là miền ký ức tuổi thơ không bao giờ có thể quay trở lại. Cuộc sống bộn bề, hiện đại và chúng tôi đã lớn, thậm chí ở ngưỡng bắt đầu già đi niềm vui không còn thuần khiết và khó được nhớ lâu như khi còn thơ trẻ. Dù vậy, được trở về quê, về với gia đình luôn là niềm khát khao, thúc giục mỗi độ xuân về. Đi chợ Tết , dù ở sắc độ cảm xúc nào vẫn là niềm vui, niềm mong nhớ khó tả.