Chuyên mục “Ngày này năm xưa” của Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 23/10 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
- Ngày 23/10/1896, trường Quốc học Huế thành lập. Nhiều học trò của trường sau này đã trở thành danh nhân văn hóa, những nhà cách mạng tiền bối, những nhà khoa học lớn, các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của nước ta với những tên tuổi tiêu biểu như: Hồ Chí Minh, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu, Tố Hữu, Tạ Quang Bửu, Hải Triều, Nguyễn Khánh Toàn, Xuân Diệu, Huy Cận...
- Ngày 23/10/1945, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đồng loạt tấn công địch tại nhiều vị trí trong thị xã Nha Trang, mở đầu Cuộc kháng chiến ở Khánh Hòa và Nam Trung Bộ chống thực dân Pháp.
Sách "Nha Trang 23/10/1945" ghi: Rạng sáng 23/10/1945, các chiến sĩ của ta chủ động tấn công vào nhiều vị trí đóng quân của địch như nhà ga xe lửa, nhà đèn, khu Bình Tân... Tại ga Nha Trang, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Đại đội trưởng tự vệ Võ Văn Ký đã anh dũng chiến đấu và hy sinh... Anh là liệt sĩ đầu tiên của Nha Trang - Khánh Hòa trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Ngày 23/10/1961, trước yêu cầu vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 759, sau đó nâng quy mô và đổi tên thành Đoàn 125 (tháng 1-1964).
Tàu HQ-671 (còn được biết đến với phiên hiệu C41), trong kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641, là con tàu “không số” duy nhất còn lại trong số những con tàu làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: TTXVN |
Đơn vị có nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược tới những nơi mà Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới được, vì thế, phải thiết kế, cải hoán những con tàu chuyên dụng thành tàu có hai đáy, đặc biệt là phải tạo dáng giống tàu đánh cá của nước ngoài để tránh sự nghi ngờ của địch.
Đối phương đã thực hiện những kế hoạch phong tỏa quy mô lớn suốt từ vịnh Bắc Bộ cho tới vịnh Thái Lan với một hệ thống tuần tiễu ngoài biển, trên các con sông và kênh rạch nhưng vẫn không thể tìm ra manh mối của một con đường tiếp tế trên biển. Bởi lẽ, một số con tàu của Đoàn tàu không số khi chỉ chớm bị phát hiện, sắp bị vây bắt thì thủy thủy đoàn đã tự đánh đắm và thủ tiêu con tàu.
Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn 125 được tăng cường nhiều thuyền trưởng, thủy thủ, nhân viên kỹ thuật đào tạo cơ bản, hầu hết là đảng viên, đoàn viên, có sức khỏe, khả năng chịu đựng sóng gió, có bản lĩnh cách mạng kiên cường, xử lý khôn khéo, táo bạo các tình huống để giành thắng lợi trong từng chuyến đi. Cùng với tuyến đường vận tải trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn, tuyến vận tải chiến lược trên Biển Đông đã khẳng định tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Từ khi ra đời và trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên một phương thức vận chuyển mới hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm chi viện cho chiến trường miền Nam. Vượt qua mọi nguy hiểm, cán bộ chiến sĩ "Đoàn tàu không số" với những con tàu thô sơ, nhỏ bé, chở nặng vũ khí đã bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm vượt qua mọi sóng to gió lớn và sự ngăn chặn, lùng sục của địch.
Suốt 14 năm thực hiện nhiệm vụ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã có hàng ngàn lượt tàu vào Nam, ra Bắc, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, đưa đón hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ… góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Ngày 23/10/1896 - Vua Thành Thái ra sắc dự thành lập trường Quốc học Huế.
- Ngày 23/10/1992: Chính phủ quyết định hợp nhất Ban Dân tộc Trung ương với Văn phòng Miền núi và Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc và Miền núi.
- Ngày 23/10/2023: Khởi công xây dựng Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Cụ thể, ngày 23/10/2023, tại Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát lệnh khởi công xây dựng Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn.
Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam.
Đây là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, có tổng mức vốn đầu tư trên 9 tỉ USD; Tổng công suất giai đoạn I là 10 triệu tấn dầu thô/năm và sẽ nâng công suất giai đoạn II lên 20 triệu tấn dần thô/năm. Sản phẩm của Nhà máy gồm: Khí hóa lỏng LPG, xăng (RON 92, 95), dầu diesel (cao cấp, thường), dầu hỏa/nhiên liệu phản lực, nhựa Polypropylene, Para-xylene, Benzene...
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn |
Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ là nhà máy lọc dầu thứ hai của Việt Nam, cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đảm bảo cung cấp 2/3 nhu cầu sản phẩm hóa dầu trong nước, đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời lan tỏa, tạo bước đột phá mới cho thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận.
- Ngày 23/10/2000, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 61/2000/QĐ-BCN về việc phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam.
- Ngày 23/10/2006, Bộ Thương mại ban hành Thông báo số 0494/BTM-DM về điều hành hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ năm 2006 đối với phần nguồn còn lại dành cấp visa tự động của Cat. 347/348.
- Ngày 23/10/2007, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 001/2007/CT-BCT về công tác phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008.
- Ngày 23/10/2008, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 39/2008/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành Dệt may Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.
- Ngày 23/10/2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 9538/QĐ-BCT về việc bổ sung, điều chỉnh địa điểm cửa hàng xăng dầu dọc tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên thuộc "Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến Quốc lộ 1 đến năm 2020, có xét đến năm 2025.
EVNHANOI triển khai nâng cấp đường dây để đảm bảo nguồn cấp. Ảnh EVNHANOI |
- Ngày 23/10/2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 22/2017/TT-BCT quy định khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia.
- Ngày 23/10/2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số: 21/2017/TT-BCT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Việc đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật đã giúp ngành dệt may có cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn thị trường.
- Ngày 23/10/2018, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4006/QĐ-BCT quy định về giá bán buôn điện cho đơn vị bán lẻ điện tại chợ.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 23/10/1906, chuyến bay đầu tiên được thực hiện bởi Alberto Santos-Dumont vượt 60 mét ở độ cao 2-3 mét.
- Ngày 23/10/1957: Mỹ phóng thành công tên lửa Vanguard TV-2. Tên lửa đẩy Vanguard đã được sử dụng trong Dự án phóng vệ tinh Vanguard diễn ra từ 1957 đến 1959. Trong số 7 vụ phóng tên lửa có 3 lần phóng vệ tinh thành công.
- Ngày 23/10/1983 Nội chiến Liban: Những kẻ tấn công tự sát phá huỷ hai doanh trại tại Beirut, Liaban, giết hại 241 nhân viên của Hoa Kỳ và 58 lính dù Pháp thuộc Lực lượng đa quốc gia tại Liban.
- Ngày 23/10/1991 - Hiệp định hòa bình Paris được ký kết bởi Cộng hòa Nhân dân Campuchia và Funcinpec, KPNLF, Khmer Đỏ, Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và một số quốc gia khác.
- Ngày 23/10/2002, quân phiến loạn Chechnya chiếm đóng một nhà hát đông người tại Moskva, bắt gần 700 khán giả và diễn viên làm con tin trong Vụ khủng bố nhà hát Dubrovka Moskva.
- Ngày 23/10/2002: Một trận động đất mạnh khoảng 6,8 độ Richter xảy ra sáng nay ở miền Tây Bắc Nhật Bản, làm ít nhất 4 người thiệt mạng và khoảng 300 người khác bị thương.
Sự kiện về Bác Hồ
- Ngày 23/10/1921, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc biểu tình do Đảng Xã hội và Liên hiệp Công đoàn tổ chức để phản đối việc hành quyết hai nhà hoạt động xã hội bị nhà cầm quyền Mỹ kết án tử hình một cách độc đoán.
- Ngày 23/10/1945, Hồ Chủ tịch thăm Nha Công an Bắc bộ. Tại khu giam giữ phạm nhân của Ty Công an quận Nhất, Hà Nội, Bác căn dặn cán bộ: “Nên săn sóc những người bị giam và xét ngay, xét kỹ cho người ta khỏi oan uổng”.
- Ngày 23/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời tuyên bố với quốc dân sau khi ở Pháp về. Người đề ra những nhiệm vụ cấp bách trước mắt và kêu gọi toàn dân đồng tâm nhất trí với Chính phủ, ra sức tổ chức, ra sức công tác, tăng cường đoàn kết, mở mang kinh tế, xây dựng nước nhà, thực hành đời sống mới, để “làm cho Chính phủ và nhân dân Pháp trông thấy, làm cho toàn thế giới trông thấy rằng: dân Việt Nam ta đã đủ tư cách độc lập, tự do, không thừa nhận ta tự do độc lập thì không được”.
Hình ảnh Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 năm 1961. (Ảnh tư liệu) |
- Ngày 23/10/1950, Bác đến dự Hội nghị Tổng kết Chiến dịch Biên giới, đưa ra những nội dung cần tổng kết là: “đề cao kỷ luật; triệt để thi hành mệnh lệnh cấp trên; thương yêu đội viên; tôn trọng nhân dân; giữ gìn của công và chiến lợi phẩm; thành thật tự phê bình và phê bình”.
- Ngày 23/10/1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 048-SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn nhảy múa nông thôn nước Cộng hòa Dân chủ Đức sang thăm hữu nghị và biểu diễn tại Việt Nam.
- Ngày 23/10/1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới nhà vua Yemen nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Yemen. “Kính chúc nhân dân Yemen thắng lợi, trong cuộc đấu tranh chống đế quốc để bảo vệ quyền độc lập của Tổ quốc, để xây dựng đất nước phồn vinh của mình và góp phần giữ gìn hòa bình ở Trung, Cận Đông và thế giới”.