Trưng bày Ngày Độc lập 2/9: Hồi ức về mốc son lịch sử của dân tộc Bức tranh Ngày Độc lập trên báo chí đương thời |
Trong ngày Độc lập đầu tiên thiêng liêng ấy, trước quốc dân đồng bào, Bác đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức đánh dấu sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Chỉ ít ngày trước đó, mặc dù còn chưa được khoẻ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định nhanh chóng từ căn cứ Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Bởi Nhân dân đang đợi Người, lịch sử đất nước đang đợi Người.
Nhân dân Hà Nội vinh dự thay mặt cả nước đón Người.
Chiều ngày 23/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc về đến Hà Nội qua bến đò Xù, làng Phú Xá trên sông Hồng. Người đến gia đình cụ Nguyễn Thị An tại làng Phú Gia (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Người đã làm việc tại đây cho đến ngày 25/8/1945.
Trong ngót 2 ngày của tháng Tám ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp nghe các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Ban Thường vụ Trung ương Đảng báo cáo về kết quả của cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước, để tiến tới việc chuẩn bị soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà cũng như cùng Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào.
Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời nơi đầu tiên Hà Nội đón Người để đến ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang. Tại đây tiếp tục mạch thảo luận những vấn đề hệ trọng nhất lúc bấy giờ, Người cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; về thể chế và thành phần của Chính phủ mới, về tổ chức ngày lễ Độc lập…
Tại một căn phòng trên gác 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập.
Ở giữa lòng thủ đô yêu dấu, giữa lòng Nhân dân, Người đã cảm thấy sức mạnh vô địch của những người đã tự mình quyết định vận mệnh của mình bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám trên phạm vi cả nước những ngày trước đó. Điều đó thể hiện rất rõ qua tâm sự của Người khi hoàn thành bản văn kiện lịch sử mà ngày nay chúng ta gọi là bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Người nói Người không giấu nổi sự sung sướng. Và, trong đời đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ Người mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy.
Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 |
Đỉnh cao của những ngày tháng sôi động đó là buổi lễ mít tinh trên Quảng trường Ba Đình chiều ngày 2/9/1945. Trực tiếp quyết định việc chọn nơi này- ngay trước Phủ toàn quyền, nơi từng là biểu tượng quyền lực của Pháp- để làm địa điểm cho lễ mít tinh, hẳn là Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn cho cả thế giới được chứng kiến hình ảnh của một nước Việt Nam thực sự đã thành một nước tự do và độc lập, người dân đã thực sự làm chủ.
Một nước Việt Nam từ chỗ không tên trên bản đồ thế giới, một đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ thực dân nay đã là một nước Việt Nam mới của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Không chỉ lo việc hệ trọng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh mà sau này chúng ta được biết qua hồi ký của ông Vũ Kỳ- thư ký của Người- còn lo lắng đến cả những việc tưởng như không thể nhỏ hơn như là thời tiết, chương trình buổi lễ liệu có ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân trực tiếp tham dự lễ mít tinh hay không, đường đi lối lại tới quảng trường ra sao để bảo đảm an toàn cho hàng chục vạn người dự lễ mít tinh, rồi cả vấn đề đi vệ sinh của đồng bào.
Thật cảm động biết nhường nào!
Sự kiện 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập và xác lập nền dân chủ cộng hòa không chỉ chấm dứt chế độ đô hộ của phát xít, của thực dân Pháp mà chấm dứt luôn cả chế độ phong kiến.
Sự kiện này đưa đất nước Việt Nam sang một thời kỳ lịch sử mới với nền tảng là nền dân chủ cộng hòa để từ sức mạnh của quốc gia độc lập ấy, chúng ta tiếp tục những cuộc kháng chiến kiến quốc sau này.
Cũng có thể nói thêm rằng, sự kiện ngày lễ Độc lập 2/9/1945 cũng còn là cuộc biểu dương lực lượng chưa từng thấy của Nhân dân. Đó còn là buổi lễ tôn vinh hình ảnh của Nhân dân- người chủ nhân mới của đất nước.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, qua thực tiễn suốt mấy chục năm bôn ba khắp thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấm sâu chân lý: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, sự nghiệp của nhân dân và trong tư tưởng tình cảm và hành động, Người luôn thể hiện nhất quán chân lý ấy.
Ngày 2/9/1945 chính là một sự kiện tiêu biểu cho tư tưởng đó của Người.
Quần chúng cách mạng chính là các tầng lớp nhân dân nước ta mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy sức mạnh to lớn ở họ. Cơ sở của quan điểm tư tưởng ấy là lòng tin vào con người của Hồ Chí Minh. Người cho rằng, nhân dân rất thông minh, sáng tạo; nhân dân là lực lượng đông đảo của toàn xã hội; nhân dân là người hiểu biết tất cả; nhân dân là nguồn sức mạnh vô tận ở mọi nơi, mọi lúc. Chính vì thế, Người luôn khẳng định, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng của nhân dân.
Một mùa Thu nữa lại đến, mùa Thu năm thứ 77 kể từ lễ mít tinh trên quảng trường Ba Đình.
Những câu nói ân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh buổi chiều hôm ấy vẫn còn như vang vọng trong tâm trí chúng ta hôm nay, cổ vũ chúng ta, vẫy gọi chúng ta.
“Tôi nói, đồng bào nghe rõ không”.
“Đồng bào phải ủng hộ chính quyền, để sau này có thêm nhiều buổi ăn mừng và thắng lợi”.