Ngành thép Việt Nam: Làm gì để tận dụng dư địa và tiềm năng phát triển? Phát triển ngành thép Việt Nam theo hướng nào? |
Sản xuất và tiêu thụ tháng 11 tăng hơn 30%
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định đầu tư công và thị trường bất động sản ấm lên sẽ hỗ trợ tích cực cho nhu cầu cầu thép những tháng cuối năm. Cụ thể, VSA cho biết sản xuất thép thành phẩm đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng gần 3% so với tháng 10 và tăng hơn 34% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt hơn 2,5 triệu tấn, tăng 13% so với tháng trước và tăng 30% so với cùng kỳ 2022.
Ngành thép vừa cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ trong tháng 11/2023, với sản xuất và tiêu thụ thép các loại đều tăng hơn 30% so với cùng kỳ |
Trong 11 tháng, sản xuất thép đạt 25 triệu tấn, giảm gần 8% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép gần 24 triệu tấn, giảm gần 6% so với cùng kỳ.
Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hơn 7.4 triệu tấn thép, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là ASEAN, EU, Mỹ, Ấn Độ và Đài Loan…Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, trong tháng 11, tập đoàn này đã sản xuất 635.000 tấn thép thô, tương đương so với tháng trước. Cụ thể, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 709.000 tấn, tăng 12% so với tháng 10/2023. Riêng thép xây dựng, thép chất lượng cao tăng 21%, đạt 410.000 tấn.
Hòa Phát cho biết, trong tháng 11/2023 thị trường thép xây dựng trong nước tăng do bắt đầu vào mùa xây dựng và một phần đến từ các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ tại cả 3 miền của Hòa Phát đều ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, mức tăng cao nhất là khu vực phía Nam tăng 47% so với tháng trước. Ngoài ra, trong tháng 11/2023, Hòa Phát còn cung cấp 37.000 tấn tôn mạ và 73.000 tấn ống thép các loại ra thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm hạ nguồn HRC này đạt mức tăng trưởng lần lượt 44% và 34% so với tháng trước.
Với sự phục hồi của thị trường, các chuyên gia dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ cải thiện trong quý cuối năm nhờ xuất khẩu thép tăng trở lại, hàng tồn kho tại các doanh nghiệp đã giảm…
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, giá thép sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong quý IV/2023, giải ngân đầu tư công tính đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch năm 2023. Giá thép chiếm khoảng 30% trong cơ cấu chi phí vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng.
Vì thế, sự gia tăng đầu tư công trong những tháng cuối năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với ngành thép. Một trong những nguyên nhân giúp tiêu thụ thép doanh nghiệp khởi sắc là nhờ các dự án giao thông như Cao tốc Bắc - Nam, các dự án sân bay mới được triển khai và đẩy nhanh tiến độ.
Kỳ vọng phục hồi mạnh trong năm 2024
Dự báo về triển vọng ngành thép năm 2024, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA cho biết, lượng tiêu thụ thép sẽ tăng 7% lên 21,7 triệu tấn. Sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.
Cụ thể, nhu cầu thép kỳ vọng sẽ tăng mạnh trở lại khi đầu ra là thị trường bất động sản hồi phục từ năm 2024. Các dữ liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù giao dịch căn hộ, chung cư, đất nền trong quý III/2023 mới bằng khoảng 73% so với cùng kỳ nhưng đã tăng 24,7% so với quý II/2023. Bên cạnh đó, số lượng dự án xây dựng hoàn thành và đang xây dựng đều tăng lại so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo của CBRE, nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện kể từ năm 2024. Trong đó, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội dự kiến tăng hơn 33% vào năm 2024, đạt mức 20.000 căn hộ và tại TP. Hồ Chí Minh nguồn cung đạt khoảng 12.000 căn (tăng 31%). CBRE cho rằng, nguồn cung căn hộ phục hồi sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) dự báo trong năm 2024, giá thép xây dựng nội địa phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (tăng 8% so với năm 2023) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.
MBS cho rằng, nhờ các chính sách hỗ trợ có thể phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.
Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu phục hồi tại EU và Mỹ tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, giá thép xuất khẩu dự kiến tăng 9% trong năm 2024 giúp biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp xuất khẩu thép cải thiện.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng. hiện nay Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm để tạo sự tăng trưởng đột phá.
Điều này sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như thép, vật liệu xây dựng, cơ khí… Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước. “Kỳ vọng với những động thái mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ ngành, thị trường thép sẽ được hồi phục thông qua những tín hiệu tích cực từ bất động sản, xây dựng”- vị chuyên gia này cho hay.
Theo dự báo của Hiệp Hội Thép thế giới (WSA), sang năm 2024, nhu cầu trên thế giới dự kiến sẽ phục hồi 1,9% so với năm 2023 lên mức 1,8 tỷ tấn, khi thị trường EU và Ấn Độ hồi phục lần lượt 5,6% và 7,5% so với cùng kỳ. Nguồn cung thép toàn cầu dự kiến giảm nhẹ 1% trong năm 2024 do tác động từ việc Trung Quốc thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng 2% trong năm tới. WSA dự báo giá thép thế giới trong năm 2024 dự kiến tăng nhẹ 3,5% so với năm 2023 trong bối cảnh nhu cầu hồi phục và nguồn cung thắt chặt. |