Tạo việc làm bền vững cho người lao động (NLĐ) là chủ trương luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, so với 5 năm trước, số lượng công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của công nhân lao động ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp (DN).
Tạo việc làm bền vững đang được quan tâm hơn trong bối hiện nay |
Tuy nhiên, hiện còn một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp; điều kiện làm việc ở nhiều DN và đời sống của công nhân lao động chưa được cải thiện, có nơi còn yếu kém. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh, nhiều DN phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô đã tác động đến đời sống, việc làm của nhiều công nhân lao động, đặc biệt ở bộ phận lao động giản đơn.
Số liệu từ Cục Việc làm cho thấy, trong quý I/2021, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959,6 nghìn người so với quý trước và giảm 177,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số NLĐ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 971,4 nghìn người; tăng 143,2 nghìn người so với quý trước và tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,1 triệu người, giảm 137,0 nghìn người so với quý trước và tăng 12,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia kinh tế, do diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, các nhà máy phục vụ thị trường nội địa đang phải cắt giảm thời giờ làm việc của NLĐ, tạm dừng mọi hoạt động sản xuất và cho NLĐ nghỉ việc. Vì vậy, để DN phục hồi sản xuất góp phần cải thiện tình hình lao động việc làm cần phải đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh; thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với xu thế; DN và NLĐ cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới…
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, tại Chỉ thị 16/CT-TTg vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động; khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và bảo đảm bố trí, khơi thông nguồn lực thực hiện,...
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của DN; hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho công nhân lao động theo yêu cầu. Khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, DN vượt qua đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. |