Ngành gỗ Bình Dương: Phát triển thương mại điện tử nâng cao năng lực xuất khẩu Xây dựng nhãn hiệu tập thể ngành gỗ Bình Dương |
Bình Dương được xem là trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam với giá trị đạt 6,12 tỷ USD, chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2021. Riêng 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 5,48 tỷ USD, trong đó Bình Dương đạt hơn 2,4 tỷ USD tăng 5,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19,3% kim ngạch xuất khẩu cả Bình Dương.
Ngành gỗ Bình Dương tận dụng cơ hội từ các FTA mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu |
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp gỗ Bình Dương đang phục hồi và tăng tốc trở lại. Trong đó, thị trường xuất khẩu gỗ Bình Dương chủ yếu là Mỹ chiếm 68,3%, tăng 10,2% so với cùng kỳ; thị trường Hồng Kông chiếm 9%, tăng 8,3%; thị trường EU chiếm 4,8%, tăng 7%; Đài Loan chiếm 4,1%, tăng 4,8%; Nhật Bản chiếm 3,6%, tăng 4%; Singapore chiếm 1,9%, tăng 1,4%.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Bình Dương, nhờ tận dụng cơ hội các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngành gỗ Bình Dương đã đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường. Sản phẩm gỗ từ Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh nhờ các FTA với nhiều quốc gia, đặc biệt Hiệp định EVFTA có hiệu lực đang tác động rất thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm ngành gỗ khi mức thuế giảm dần về bằng 0%.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp gỗ của Bình Dương hiện nay là Mỹ, Liên minh châu Âu, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan. Ngoài ra, gần đây ngành chế biến gỗ của Bình Dương còn phát triển các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Bắc Mỹ…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Anh Vũ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chế biến Gỗ Bình Dương cho biết: Để nắm bắt cơ hội và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường, nhất là thị trường Mỹ, các doanh nghiệp ngành gỗ Bình Dương đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất. Đồng thời, chuyên môn hóa trong sản xuất và liên kết chuỗi cung ứng, cũng như đón cơ hội từ thị trường. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gia tăng công suất để kịp tiến độ các đơn hàng đã ký đến hết quý 2 và quý 3/2022.
“Tình hình xuất khẩu trong quý 2/2022 sẽ khởi sắc hơn quý 1/2022. Dự báo tình hình hồi phục sản xuất và xuất khẩu của ngành gỗ Bình Dương thời gian tới sẽ tốt hơn” - ông Trần Anh Vũ kỳ vọng.
Thị trường Mỹ chiếm khoảng hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, đây cũng là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng trong 4 tháng đầu năm. Đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ, thị trường nhà ở Mỹ đang có xu hướng phát triển mạnh. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, trong đó có Bình Dương, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
Đại diện Công ty TNHH Liên Thanh - doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nội, ngoại thất xuất khẩu cho biết, đơn hàng đi Mỹ, châu Âu của công ty đã kín đến hết quý tháng 9/2022. Mặc dù ngành gỗ đang trên đà thuận lợi về đơn hàng, nhưng hầu hết các DN đang vướng chi phí đầu vào như: xăng dầu, chi phí chi phí logistics, các loại hóa chất sơn phủ sản phẩm… kéo theo giá thành sản phẩm rất cao. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp trong đó có Công ty Liên Thanh tiếp tục sản xuất cho các đơn hành hiện tại, nhưng đơn hàng mới hạn chế nhận nếu không thương lượng được giá. Số lượng đơn hàng khá lớn nhưng vướng giá, nếu bên mua điều chỉnh thì doanh nghiệp vận tiếp tục nhận đơn hàng.
Theo Hiệp hội chế biến Gỗ Bình Dương, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Bình Dương đang tận dụng cơ hội từ các FTA để mở rộng thêm thị trường, nhất là thị trường Mỹ. Tuy nhiên, để phát triển, Bộ Công Thương cần có chính sách hỗ trợ về quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại mạnh hơn nữa cho sản phẩm gỗ Việt Nam.
Để nắm bắt cơ hội thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp gỗ Bình Dương bên cạnh đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất, hệ thống quản lý để khai thác hiệu quả thị trường từ các FTA. Doanh nghiệp cũng cần phải chủ động ngăn ngừa gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế, do các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU… rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế. Phía Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cũng đã khuyến nghị các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ và không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.