Tăng cường xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm OCOP Hơn 200 doanh nghiệp tham gia Triển lãm giấy, cao su và sơn phủ 2014 |
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp giấy
Tại Hội nghị khởi động chuỗi Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa kết hợp với tọa đàm “Kết nối giá trị hướng đến phát triển bền vững” ngày 28/3/2023, ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) - cho biết: Trong năm 5 trở lại đây ngành giấy của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, hiện chúng ta đang có năng lực sản xuất gần 10 triệu tấn giấy và tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức trên 10%. Đáng chú ý, Việt Nam hiện có 500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành giấy và số lượng doanh nghiệp thuộc VPPA chỉ có 130 đơn vị nhưng lại chiếm đến 90% công suất toàn ngành.
Tuy vậy từ tháng 9/2022 tới nay doanh nghiệp ngành giấy đang gặp khó khăn về đầu ra. Lý do, ngành giấy hiện đang là ngành phụ trợ cho hầu hết các lĩnh vực sản xuất nên khi các ngành này chịu ảnh hưởng và suy giảm sẽ kéo theo sự sụt giảm trong tiêu thụ giấy.
Theo ước tính của VPPA, hiện nhiều doanh nghiệp chỉ đang hoạt động khoảng 50% công suất thiết kế để duy trì sản xuất. Thậm chí, sang năm 2023, tình hình hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn hơn do các ngành sản xuất của Việt Nam đang suy giảm.
“Năm 2022 chúng ta xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn giấy nhưng theo dự báo của chúng tôi năm nay có thể giảm. Minh chứng là các tháng đầu năm nay lượng đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đã giảm mạnh. Không chỉ xuất khẩu mà ngay tại nội địa, dự báo tiêu thụ giấy cũng sụt giảm khoảng 10%. Đây là một khó khăn rất lớn với doanh nghiệp”- ông Sơn cho biết thêm.
Theo ông Sơn, không phải chỉ ở hiện tại mà thực tế ngành giấy đang gặp những khó khăn từ nội tại, cần có giải pháp tháo gỡ trong dài hạn. Cụ thể, là lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu: Hiện Việt Nam chưa đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho phát triển bền vững; chưa có doanh nghiệp sản xuất bột giấy thương phẩm quy mô lớn nên đang phải nhập khẩu hơn 500 ngàn tấn bột giấy mỗi năm. Bên cạnh đó, Việt Nam đang mất cân đối trong đầu tư sản xuất. Cụ thể là đầu tư tập trung quá nhiều vào giấy bao bì nhưng các nhà máy chỉ vận hành 70 - 75% công suất nên nếu vẫn tiếp tục đầu sẽ dẫn tới hoạt động không hiệu quả. Ngoài ra, ngành giấy còn đối mặt với vấn đề công nghiệp phụ trợ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao...
Ông Nguyễn Bá Vinh - Giám đốc Công Triển lãm Minh Vi (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về các hoạt động diễn ra của chuỗi triển lãm sơn, giấy, cao su và nhựa. |
Xúc tiến thương mại để tìm thị trường và khách hàng
Trước các khó khăn nói trên, VPPA cho biết, trong ngắn hạn, việc thực hiện xúc tiến thương mại là giải tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp. “Hiệp hội xác định nhiệm vụ lớn trong 2023 là giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới do hiện nay chúng ta đang tập trung vào 3 thị trường chính là Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu. Vì vậy VPPA đang phải tiếp cận thị trường ngách bằng cách làm việc với Thương vụ Việt Nam tại các nước như Châu Mỹ, Trung Đông và thông qua các Hiệp hội hàng tiêu dùng, Hiệp hội bán buôn bán lẻ ở các nước sở tại để kết nối cho doanh nghiệp. Đặc biệt việc tham gia các hội chợ triển lãm như chuỗi Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa diễn ra vào tháng 6 tới tại TP. Hồ Chí Minh cũng được VPPA khuyến cáo để tiếp cận khách hàng mới”- ông Sơn chia sẻ.
Liên quan đến chuỗi Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa, ông Nguyễn Bá Vinh - Giám đốc Công Triển lãm Minh Vi (VEAS) - đơn vị tổ chức sự kiện này cho biết: Với vai trò là một điểm hẹn giao thương quốc tế, chuỗi triển lãm sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà cung ứng, nhà phân phối, người mua và các chuyên gia kỹ thuật đẩy mạnh kết nối và hợp tác kinh doanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch vừa qua. Đồng thời giúp các bên cập nhật sản phẩm, kỹ thuật, công nghệ mới và trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững.
Được biết, chuỗi triển lãm thương mại quốc tế chuyên gành này gồm: Triển lãm và Hội thảo quốc tế thứ 10 chuyên ngành công nghiệp giấy và bột giấy (Paper Vietnam 2023); Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 9 chuyên ngành công nghiệp cao su và sản xuất xăm lốp xe (Rubber & Tyre Vietnam 2023); Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 8 về chuyên ngành sơn phủ, tạo màu, nhuộm và mực in (Coatings Expo Vietnam 2023); Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về máy, thiết bị, công nghệ và nguyên phụ liệu ngành nhựa (Plastech Vietnam 2023). Các triển lãm sẽ diễn ra đồng thời từ ngày 14-16/6/2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Bá Vinh, cả 4 triển lãm nói trên sẽ có 230 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia trưng bày. Ban tổ chức cũng dự kiến đón khoảng 8.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế.
Ngoài xúc tiến thương mại, trong dài hạn, ông Sơn cho rằng, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho phát triển bền vững, Nhà nước cần khuyến khích đầu tư sản xuất bột giấy từ nguyên liệu trong nước với công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường. Sớm giải quyết sự mất cân đối trong đầu tư sản xuất theo hướng hạn chế đầu tư vào giấy bao bì, khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm giấy Việt Nam đang phải nhập khẩu; tiếp tục khuyến khích đầu tư vào công nghiệp phụ trợ ngành giấy, khuyến khích mở rộng về quy mô, hình thức và nâng cao chất lượng đào tạo…