![]() |
Xuất khẩu luôn là điểm sáng của nền kinh tế |
Xuất khẩu đóng góp 70% GDP
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: Thời gian qua, XK được coi là “điểm sáng” nhất trên bức tranh kinh tế với kim ngạch liên tục tăng trưởng, hàng năm đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động.
Cụ thể: Sau 2 năm liên tiếp (2010 - 2011) đạt kim ngạch cao với 71,6 tỷ USD và 108,5 tỷ USD, ngày càng thu hẹp dần cán cân thương mại thì đến năm 2012, lần đầu tiên sau 20 năm, Việt Nam xuất siêu 300 triệu USD. Tại thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là kết quả tức thời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, liên tục 3 năm sau đó, thành tích này đã được duy trì với con số ngày một “đẹp” hơn (năm 2013 xuất siêu 863 triệu USD; năm 2014 xuất siêu 1,5 tỷ USD).
“Tăng trưởng XK thể hiện trên cả 2 phương diện quy mô và tốc độ tăng so với năm trước đó. Giai đoạn 2010 - 2014, XK tăng trưởng bình quân khoảng gần 20%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nhập khẩu (khoảng 14,6%)”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Việc kim ngạch XK tăng dần từng năm đã đưa nước ta vào nhóm các nước XK hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su… Thị trường XK cũng liên tục được mở rộng, hàng hóa XK của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… hoặc các thị trường mới, xa xôi như châu Phi, châu Mỹ La tinh… Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa đã có sự chuyển dịch tích cực theo chiều hướng công nghiệp hóa, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển XK hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Nhóm hàng công nghiệp chế biến hiện chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 70%, theo sau là nhóm nông, lâm, thủy sản. Nhóm nhiên liệu khoáng sản - đối tượng không được khuyến khích XK có kim ngạch giảm.
Bước sang năm 2015, dù XK không tăng trưởng mạnh như những năm trước nhưng mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% - chỉ tiêu Quốc hội đặt ra - hoàn toàn có khả năng đạt được.
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng
Nhờ nắm bắt tốt nhu cầu lớn của thị trường, những tháng đầu năm 2015, sản xuất công nghiệp đã liên tục chứng minh vai trò không thể thay thế trong nền kinh tế khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) liên tục tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây. Trong 7 tháng, IPP đã tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014, cao gấp đôi con số của năm 2013 và 2014 (5,2% và 6,2%). Thị trường tiêu thụ tốt, tồn kho duy trì ở con số hợp lý là điều kiện tốt để sản xuất công nghiệp tiếp tục có điều kiện tăng trưởng, đặc biệt trong những tháng cuối năm - những tháng “nước rút” cho sản xuất công nghiệp khi nhu cầu trong nước tăng cao và là thời điểm tập trung của các đơn hàng XK.
Sự đóng góp của những doanh nghiệp (DN) sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp rất đáng ghi nhận. Hàng loạt dự án mở rộng quy mô sản xuất của Công ty Samsung Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử; các dự án đầu tư mới về nguyên liệu của DN dệt may… không chỉ liên tục giúp các ngành hàng trên lọt top đầu XK mà còn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng; dần thoát khỏi quan điểm DN nước ta chỉ gia công cho các quốc gia khác. Đơn cử như tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may hiện nay đã đạt mức 50 - 60%. Bên cạnh đó, với tỷ lệ nội địa hóa 36%, thu hút 41 DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, Công ty Samsung cũng đang nỗ lực đưa các sản phẩm của mình được gắn mác “Made in Vietnam”.
Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh; tận dụng tối đa những cơ hội từ hội nhập để mở rộng thị trường XK, hoàn thành tốt mục tiêu cho năm 2015 và những năm tiếp theo. |