Trên sở giao dịch Chicago, giá nông sản đang hướng đến mức cao nhất trong một thập kỉ, thậm chí có thể lên mức cao nhất mọi thời đại, khi giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm là giai đoạn chuyển giao nguồn cung rất quan trọng và nhạy cảm.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/04/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 2,33 triệu tấn ngô và 1,26 triệu tấn lúa mì; lần lượt giảm 22,2% và 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 7 trên sở Chicago đóng cửa ngày 27/04 tiếp tục tăng 1,3% lên mức 319,7 USD/tấn, chỉ còn cách hơn 10 USD/tấn so với mức cao nhất lịch sử.
Giá ngô nhập khẩu tăng đột biến sẽ đặt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trước hai lựa chọn, chuyển sang sử dụng các nguyên liệu có thể thay thế ngô như lúa mì, gạo tấm, sắn lát… hoặc buộc phải tăng giá bán cám thành phẩm. Trong bối cảnh giá các nguyên liệu thay thế vẫn ở mức cao, chuỗi sản xuất chăn nuôi trong nước sẽ đứng trước áp lực rất lớn từ nay đến hết năm 2022.
Diễn biến giá ngô trên sở Chicago |
Tiến độ gieo trồng ngô tại Mỹ chậm nhất trong vòng 9 năm
Mỹ, Brazil và Argentina là 3 nước đứng đầu về xuất khẩu ngô trên toàn thế giới. Về lý thuyết, mùa vụ gối đầu giữa các nước này sẽ đảm bảo nguồn cung ngô luôn ổn định quanh năm. Mùa vụ tại Mỹ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11, mùa vụ Argentina diễn ra từ tháng 10 đến tháng 7, còn Brazil có 2 mùa vụ ngô kéo dài từ tháng 9 đến tháng 7 năm sau. Trong mùa vụ năm nay, cả Mỹ và Brazil đều đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm sản lượng do thời tiết xấu đang diễn ra trên diện rộng.
Tại Mỹ, chi phí phân bón tăng cao đã khiến diện tích gieo trồng ngô năm 2022 được dự báo sẽ giảm mạnh. Theo Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), nông dân nước này sẽ chỉ sản xuất ngô trên diện tích 89,5 triệu mẫu, giảm 4% so với mùa vụ trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2019 tới nay. Đây cũng là yếu tố khiến cho giá ngô đã liên tục tăng kể từ đầu tháng 3 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Với triển vọng giá phân bón vẫn duy trì ở mức cao do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, năng suất ngô Mỹ cũng sẽ khó đạt được con số khả quan, MXV cho biết.
Không những thế, các số liệu báo cáo mới đây từ USDA cũng cho thấy tiến độ gieo trồng ngô đang ở mức chậm nhất kể từ năm 2013, do thời tiết lạnh và ẩm ướt tại các vùng sản xuất trọng điểm. Ước tính, nông dân Mỹ mới chỉ gieo trồng được 7% diện tích dự kiến, so với mức 16% cùng kỳ năm ngoái và 15% trung bình 5 năm qua. Các mô hình thời tiết dự báo Mỹ sẽ khô và ấm hơn trong vài tuần tới, là thông tin tích cực đối với hoạt động gieo trồng ở Vành đai ngô, nơi chiếm khoảng 90% sản lượng cả nước.
Tiến độ gieo trồng ngô tại Mỹ |
Brazil đứng trước nguy cơ mất mùa cả 2 vụ ngô
Từ nhiều năm nay, nông dân Brazil đã gieo trồng 2 vụ ngô hàng năm, chiếm hơn 20% lượng xuất khẩu trên toàn thế giới. Vụ đầu tiên đã thu hoạch xong trong quý I tại các bang phía nam Brazil, với kết quả không mấy khả quan. Trong khi đó, ngô vụ 2 chiếm khoảng 70% tổng sản lượng trong năm, vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển quan trọng.
Năm ngoái, mô hình thời tiết La Nina xuất hiện đã khiến tình trạng khô hạn xảy ra trên diện rộng và gây ra thiệt hại nặng nề tới vụ ngô của Brazil. Năm nay, mặc dù được gieo trồng trong khung thời gian lý tưởng hơn, nhưng triển vọng thời tiết sắp tới lại đang kém khả quan, do mùa khô bắt đầu sớm hơn so với bình thường. Nhiều khu vực đã không ghi nhận lượng mưa nào đáng kể trong vòng 15 ngày qua. Ở những vùng khô hạn nhất, trận mưa cuối cùng đã cách đây 3 – 4 tuần. Tại Mato Grosso, bang sản xuất ngô lớn nhất Brazil, một số nơi đã trải qua 50 ngày trong tình trạng khô hạn nghiêm trọng.
Trên thực tế, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Brazil (Inmet) cho biết mùa khô đã bắt đầu ở miền trung Brazil. Mùa khô đã bắt đầu sớm hơn bình thường từ 2 – 4 tuần trong năm nay. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến vụ ngô thứ 2, nhất là khi cây đang trong giai đoạn phát triển quan trọng và cần nhiều nước.
Triển vọng nào cho giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu?
Ông Phạm Thanh Dương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm Giao nhận hàng hóa MXV - cho biết, hiện nay còn quá sớm để đưa ra những nhận định bi quan về sản lượng ngô tại Mỹ và Brazil thu hoạch trong năm 2022. Tuy nhiên, nếu thời tiết không có sự cải thiện đáng kể, nguồn cung từ hai quốc gia này có thể sẽ bị sụt giảm khoảng 5% so với các kỳ vọng ban đầu. Đây sẽ là yếu tố chính, hỗ trợ giá ngô vẫn neo ở các vùng giá cao trong quý II và quý III năm nay.
Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tồn kho tích lũy từ đầu năm đang dần cạn kiệt và việc bổ sung nguyên liệu nhập khẩu là điều không thể tránh khỏi. Đa số các nhà máy quy mô nhỏ và trung bình mới chỉ ký các hợp đồng mua hàng đến hết tháng 6/2022.
Áp lực không chỉ đến từ giá ngô Chicago, mà còn tới từ chi phí vận tải đã tăng ít nhất 15% so với giai đoạn đầu năm, do giá dầu vượt mức 100 USD/thùng. Kết hợp hai yếu tố này, theo tôi giá ngô nhập khẩu về Việt Nam sẽ khó giảm dưới 9.000 đồng/kg trong quý II này”, ông Dương cho biết thêm.
Ông Phạm Thanh Dương - Phó Tổng Giám đốc MXV |
Theo MXV, giá ngô nhập khẩu sáng 28/04 đang được chào bán trong khoảng từ 9.200 – 9.350 đồng/kg tại cảng Cái Lân, tăng khoảng 100 – 150 đồng/kg so với tuần trước. Giá ngô tại cảng Cái Mép đang được chào bán thấp hơn từ 50 – 80 đồng/kg. Giao dịch tại thị trường nội địa đang diễn ra rất ảm đạm, khi các nhà máy không muốn mua với vùng giá cao hơn 20% so với giai đoạn đầu năm, trong khi các thương mại lớn cũng không có nhiều hàng để bán.
Trong bối cảnh này, việc sử dụng gạo tấm để thay thế ngô đang là giải pháp được các nhà máy ở phía Bắc sử dụng. Nhập khẩu gạo tấm từ Ấn Độ đạt 80.000 tấn trong hơn 4 tháng đầu năm, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, sắn lát cũng là thị trường được các thương nhân giao dịch khá sôi động trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn khi mỗi năm Việt Nam đang phải nhập khẩu hơn 10 triệu tấn ngô phục vụ hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi. Không một loại nguyên liệu nào có đủ nguồn cung và chất lượng để thay thế ngô trong dài hạn. Vì thế, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp và bà con nông dân đang ở tại Việt Nam, nhưng vẫn từng ngày mong thời tiết thuận lợi hơn tại Mỹ, Brazil và Argentina, các bước bên kia đại dương.