Chuẩn bị cho lễ hội, dân bản cử đại diện là người nối dõi của dòng họ đầu tiên đến khai phá, xây dựng bản. Người đại diện bản mời thầy mo về cúng. 8 giờ sáng thầy mo mặc trang phục truyền thống đến trước bàn thờ và bắt đầu cúng, mời thần bản về dự lễ và hưởng thụ những lễ vật dân bản thành tâm dâng cúng.
Lễ vật gồm một đầu lợn (phải là lợn đen), hai con gà, một quả trứng, bát gạo, hương, nến. Thầy mo lấy một bung thóc, một chiếc chài quăng cá, một chiếc búa đặt lên bàn cúng rồi đọc lời cúng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua đuổi tà ma, đem lại sức khỏe, cuộc sống ấm no cho mọi nhà. Sau đó, thầy mo lấy một đoạn tre, bổ đôi rồi tung lên. Khi hai mảnh tre rơi xuống nếu được Xiếng (một úp một ngửa) đó là điềm tốt - lời cầu khấn đã được Giàng chấp nhận. Lễ cúng kéo dài khoảng 30 phút, sau đó mâm lễ sẽ đem mời thầy mo và người đại diện cho bà con trong bản. Người đại diện lấy một chung rượu cần mời thầy mo và bà con dân bản cùng ngồi ăn uống vui vẻ.
Đồng bào Thái tập trung tại nhà văn hóa để tổ chức cúng Xên bản |
Thầy mo chuẩn bị lễ vật để thực hiện nghi lễ cúng |
Hoạt động vui chơi, múa hát diễn ra trong lễ hội |
Trống chiêng vang lên cũng là lúc nhiều trò chơi, múa hát dân gian diễn ra trong ngày lễ Xên bản. Các trò chơi trong dịp này chủ yếu là cù quay, ném còn, tó má lẹ, thi đối đáp, múa xoè... Người Thái quan niệm, vòng xòe càng rộng, tiếng chiêng trống càng vang xa, ném được nhiều còn qua vòng tròn thì năm đó đời sống dân bản càng no ấm, yên vui, gặp nhiều may mắn.
Cúng Xên bản là một nét đẹp văn hoá của dân tộc Thái giống như ngày hội làng của bà con miền xuôi. Đây là sinh hoạt văn hoá cộng đồng giúp cho đồng bào có điều kiện gần gũi và đoàn kết với nhau hơn, đồng thời cũng là dịp để ôn lại những truyền thống, bảo lưu văn hoá dân tộc.