Kết nối nông sản vùng Duyên hải Nam Trung bộ vào hệ thống siêu thị Đưa hàng hoá vùng duyên hải Nam Trung bộ vào hệ thống Central Retail |
Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, có vai trò quan trọng là cầu nối kinh tế, quốc phòng giữa vùng Bắc Trung Bộ với Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giữa đất liền với các quần đảo.
Trong 10 năm qua, đóng góp của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ vào kinh tế cả nước luôn đạt tỷ lệ cao, trong đó có sự đóng góp của các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp quan trọng ven biển (trung tâm chế biến dầu, khí, nhiệt điện, sản xuất thép,…).
Với vai trò quan trọng nói trên, những năm qua TP. Hồ Chí Minh và 6 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã ký kết, triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, trong lĩnh vực thương mại, nhiều hoạt động hợp tác tiêu biểu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Đơn cử với tỉnh Bình Thuận, việc hợp tác đã giúp các doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm lợi thế của tỉnh như thanh long, nước mắm, thủy sản, nước khoáng, mủ trôm, mở rộng hệ thống phân phối, đại lý, cũng như đưa hàng vào các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, việc hợp tác cũng đã giúp một số doanh nghiệp có sản phẩm đặc sản, lợi thế cung ứng hàng hóa của tỉnh này kết nối giao thương hàng hóa với các doanh nghiệp phân phối của TP. Hồ Chí Minh và ngược lại,… “Có 56 doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ 48 doanh nghiệp tham gia Hội nghị giao thương, các Hội chợ, triển lãm được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh…”- đại diện của UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Các nhà bán lẻ TP. Hồ Chí Minh kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã vùng Duyên hải Nam Trung Bộ |
Tương tự, với tỉnh Phú Yên, qua hợp tác đã giúp địa phương chia sẻ, học tập kinh nghiệm về triển khai mô hình chợ đêm tại Chợ phường 7, thành phố Tuy Hòa; mô hình các tuyến phố ẩm thực khu vực thành phố Tuy Hòa; phát triển kênh phân phối hàng hóa vào hệ thống chợ; phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tại TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ một số doanh nghiệp của tỉnh Phú Yên tham gia chương trình người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao để có cơ hội phát triển thị trường; trao đổi kinh nghiệm triển khai chương trình bình ổn thị trường vào các dịp Tết Nguyên đán, nguồn hàng hóa dự trữ, cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chọn các mặt hàng bình ổn phù hợp với tình hình của tỉnh.
Các địa phương khác như Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ sau khi có hợp tác. Từ đó giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng giai đoạn 2013 - 2021 ước đạt 2.350.520 tỷ đồng, tăng bình quân 8,91%/năm. Một số tỉnh có mức tăng trưởng bình quân khá như tỉnh Bình Định (tăng 12,77%/năm), tỉnh Bình Thuận (tăng 10,1%/năm), tỉnh Quảng Ngãi (tăng 8,06%/năm), tỉnh Phú Yên (tăng 8,10%/năm),…
Ở lĩnh vực công nghiệp, nhờ tăng cường hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của vùng giai đoạn 2013 - 2021 ước tăng bình quân 10,57%/năm. Trong đó, các địa phương có tốc độ tăng trưởng khá như tỉnh Bình Thuận (tăng 19,59%/năm), tỉnh Phú Yên (tăng 8,03%/năm), tỉnh Bình Định (tăng 7,92%), tỉnh Khánh Hòa (tăng 4,8%/năm),…
Đáng chú ý, qua hợp tác Tổng Công ty CP May Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) đã xây dựng 8 nhà máy may mặc xuất khẩu tại Bình Định; Tập đoàn Khải Vy xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Khải Vy - Quy Nhơn tại Khu công nghiệp Long Mỹ; Công ty Cổ phần May Nhà Bè góp vốn vào 03 xưởng sản xuất của Công ty May Bình Định, tổng công suất 22,3 triệu sản phẩm/năm…
Ngược lại, các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cũng có nhiều dự án đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh như: Công ty CP Phú Tài (Bình Định) mở chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh kinh doanh cung cấp dịch vụ gỗ tròn, gỗ xẻ nguyên liệu; Giới thiệu và kết nối cho HTX Bình Minh (Bình Định) hợp tác sản xuất và tiêu thụ mặt hàng song mây với HTX Bậc cao Ba Nhất (TP. Hồ Chí Minh); đồng thời có nhiều hoạt động hợp tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm về ứng dụng máy móc thiết bị để đổi mới một số công đoạn sản xuất, chế biến…
Tiếp tục mở rộng hợp tác 5 lĩnh vực trọng tâm
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của UBND TP. Hồ Chí Minh, việc hợp tác phát triển kinh tế giữa cac địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Cụ thể là hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư chưa đồng đều giữa các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay vẫn còn khó khăn thách thức khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương vẫn chưa thể kết nối, cung ứng thị vào thị trường TP. Hồ Chí Minh…
Để phát huy kết quả hợp tác đã đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn 2023-2025, TPHCM với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ thống nhất phối hợp, mở rộng hợp tác 5 lĩnh vực trọng tâm theo quy mô phát triển của vùng gồm: Du lịch, kết nối cung cầu- xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, nông nghiệp và lĩnh vực hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, các bên phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, đặc hữu có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực đoan.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, lần hợp tác này là hợp tác chung giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng, không ký hợp tác riêng từng địa phương như trước đây. Do vậy, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thực sự cần liên kết với nhau để cùng phát triển, tránh cạnh tranh tiêu cực, làm mất đi động lực phát triển của vùng, của từng địa phương.
Được biết, theo thỏa thuận hợp tác, TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường cung cấp thông tin về tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại, các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách, các dự án kêu gọi đầu tư,... để trao đổi, học tập kinh nghiệm và chia sẻ cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp của các tỉnh; tư vấn, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm cho các tỉnh về các quy trình, thủ tục hành chính trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển của ngành; thông tin về kế hoạch đào tạo, tổ chức các hội nghị, hội thảo đặc biệt là các chương trình tập huấn của các địa phương để cùng tham gia nếu phù hợp, đặc biệt là chương trình đào tạo, tập huấn về phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu,... do TP. Hồ Chí Minh tổ chức để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh của các tỉnh; tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất các mặt hàng nông sản, đặc sản của địa phương phù hợp với các quy trình, quy định của ngành nông nghiệp.
Đã có 28 hợp đồng thu mua của các nhà bán lẻ TP. Hồ Chí Minh ký với doanh nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Công tác kết nối giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ được triển khai từ tháng 2/2023 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Trải qua nhiều giai đoạn công phu, từ khảo sát đến kết nối B2B, tìm hiểu, đàm phán, tiếp xúc, gặp gỡ nhiều lần, hướng dẫn cặn kẽ, hỗ trợ chi tiết... Đến nay, 4 nhà phân phối TP. Hồ Chí Minh là Saigon Co.op, Satra, Central Retail và sàn thương mại điện tử Tiki đã chính thức ký 28 hợp đồng thu mua với nhà cung cấp của 6 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Cụ thể: tỉnh Bình Thuận có 6 hợp đồng; tỉnh Ninh Thuận có 5 hợp đồng; tỉnh Khánh Hoà có 6 hợp đồng; tỉnh Phú Yên có 3 hợp đồng; tỉnh Bình Định có 6 hợp đồng; tỉnh Quảng Ngãi có 2 hợp đồng. Tất cả các hợp đồng đều có hiệu lực ngay sau khi ký kết. Cũng theo ông Phương, chương trình kết nối giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là hoạt động cuối cùng trong chuỗi hoạt động kết nối giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh với 5 vùng: Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Bắc, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Sau 5 hội nghị kết nối giao thương, 4 nhà phân phối lớn đã ký 170 biên bản ghi nhớ, 61 hợp đồng thu mua (trong đó, 29 hợp đồng thu mua đã được ký tại các hội nghị và 32 hợp đồng ký bên ngoài hội nghị). |